Diễn biến giá nông sản thế giới ngày 6/4

Giá ngô hiện chịu áp lực giảm mạnh do nhu cầu sử dụng nhiên liệu ethanol giảm khi giá dầu thô xuống thấp. Trong khi đó, giá lúa mì tiếp tục tăng nhờ nhu cầu tích trữ lương thực tăng.
Thu hoạch đậu tương
 Các quốc gia khu vực Nam Mỹ đang tiến hành thu hoạch đậu tương và dự báo sản lượng đậu tương của khu vực này sẽ tăng cao trong năm nay (Ảnh: Metropress)

Vào lúc 10h25 sáng nay (ngày 6/4, theo giờ Việt Nam), giá ngô theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất tại Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 0,3% xuống mức 3,29-3/4 USD/giạ (25,4 kg). Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá ngô giảm về mức 3,27 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016.

Giá ngô chịu áp lực giảm do nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol tại Hoa Kỳ có thể tiếp tục giảm xuống khi giá dầu thô ở mức thấp. Ngô là nguyên liệu chủ yếu được sử dụng làm nhiên liệu sinh học ethanol. Bên cạnh đó, một số dự báo cho thấy sản lượng ngô niên vụ 2020 của Hoa Kỳ sẽ tăng lên, gia tăng áp lực lên giá ngô. Hoa Kỳ hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới.

Nhận định về diễn biến giá ngô trong phiên giao dịch sáng nay, ông Tobin Gorey, giám đốc bộ phận chiến lược thị trường nông sản của Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia, cho biết “Thị trường đang đối mặt với việc sản lượng ngô tại Hoa Kỳ gia tăng mạnh”. Việc giá dầu thô giảm xuống cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giá ngô, theo ông Tobin Gorey.

Trên sàn CBOT, giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất cũng giảm 0,2% xuống còn 8,52-1/2 USD/giạ (27,2 kg). Giá đậu tương chịu áp lực giảm do nguồn cung đậu tương từ khu vực Nam Mỹ sẽ tăng lên trong bối cảnh khu vực này đang ghi nhận vụ mùa sản lượng cao.

Bên cạnh đó, số liệu cho thấy hoạt động xuất khẩu đậu tương của Hoa Kỳ sang Trung Quốc vẫn chưa gia tăngg mặc dù Trung Quốc đã cam kết tăng mạnh lượng nhập khẩu nông sản từ Hoa Kỳ thông qua việc ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn 1 hồi giữa tháng 1/2020.

Trong khi đó, giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã tăng 1,2% lên mức 5,56 USD/giạ (27,2 kg). Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (3/4), giá lúa mì đã tăng 1,4%.

Giá lúa mì đã tăng mạnh trong giai đoạn gần đây khi nhu cầu tăng cao trong bối cảnh các nước tăng cường tích trữ lương thực khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, đà tăng của giá lúa mì đang bị kìm hãm khi giới giao dịch lo ngại việc đồng USD tăng giá có thể làm giảm lợi thế xuất khẩu lúa mì của Hoa Kỳ.

Quang Đặng (Theo Reuters)