Diễn biến giá nông sản thế giới ngày 7/4

Giá ngô đã ghi nhận phiên tăng giá đầu tiên trong 8 phiên giao dịch gần đây nhờ triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học tăng khi giá dầu thô tăng trở lại.
Giá ngô tăng
 Diện tích cánh tác ngô tại Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây (Ảnh: AFP)

Vào lúc 10h36 sáng nay (ngày 7/4, theo giờ Việt Nam), giá ngô theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất tại Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,5% lên mức 3,29-1/2 USD/giạ (25,4 kg). Đây là lần đầu tiên giá ngô tăng trong 8 phiên giao dịch gần đây. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (6/4), giá ngô đã có lúc giảm còn 3,25-1/2 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016.

Giá ngô tăng chủ yếu do thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol sẽ tăng lên trong bối cảnh giá dầu thô đã tăng trở lại, giúp gia tăng sức hấp dẫn của nhiên liệu sinh học. Ngô là nguyên liệu chính cho sản xuất nhiên liệu sinh học tại Hoa Kỳ.

Giá dầu thô tăng nhờ thị trường kỳ vọng cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và Nga sẽ chấm dứt trong tuần này và các quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới sẽ đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác.

Tuy nhiên, diễn biến giá ngô tại thị trường Hoa Kỳ vẫn phụ thuộc vào mức sản lượng ethanol cũng như hoạt động canh tác ngô của nước này.Nhu cầu sử dụng nhiên liệu nói chung, nhiên liệu sinh học ethanol nói riêng tại Hoa Kỳ đang sụt giảm khi nước này tiến hành các biện pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, giới chuyên gia dự báo sản lượng ngô năm nay của Hoa Kỳ, quốc gia xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, sẽ tăng lên. Theo các khảo sát, diện tích canh tác ngô năm nay của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Cũng trên sàn CBOT, giá đậu tương đã tăng 0,6% lên mức 8,60-1/2 USD/giạ (27,2 kg), đánh dấu phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, lúa mì ghi nhận phiên giảm giá đầu tiên trong ba phiên giao dịch gần đây, giảm 0,6% xuống còn 5,52-1/2 USD/giạ (27,2 kg).

Giá lúa mì đã bật tăng mạnh trong tháng 3 vừa qua do nhu cầu mua dự trữ lương thực của người tiêu dùng lẫn các chính phủ tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặc dù nhu cầu mua dự trữ lương thực của người tiêu dùng đã dần giảm xuống nhưng các nước vẫn đang tìm kiếm nguồn cung để gia tăng dự trữ lương thực quốc gia.

Ả-rập Xê-út cho biết đang yêu cầu các doanh nghiệp nước này có canh tác nông nghiệp tại nước ngoài nhập khẩu khoảng 355.000 tấn lúa mì nhằm tăng cường lượng dự trữ lương thực chiến lược của nước này. Số liệu của chuyên trang dữ liệu Refinitiv cũng cho thấy lượng xuất khẩu lúa mì của Pháp đến các quốc gia ngoài khu vực Liên minh Châu Âu trong tháng 3/2020 đã đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)