Điện Biên: Khai thác tiềm năng nuôi cá tầm trong lồng bè.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng cá tầm và các sản phẩm từ cá tầm không ngừng gia tăng đã góp phần thúc đẩy Điện Biên triển khai nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào nuôi trồng loại cá đặc hữu này.

Với tổng diện tích mặt nước trên 2.326,5 ha, Điện Biên có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng bè nước ngọt, nước lạnh trên sông, hồ chứa lớn. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng ba điểm trình diễn mô hình tại xã Pa Khoang, Thanh Hưng, Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Mô hình được thực hiện với quy mô 200m3, số giống thả 3.000 con, mật độ 15 con/m3, thời gian thực hiện 10 tháng. Khi tham gia mô hình các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, 50% chi phí thức ăn và men vi sinh cho cá ăn, đối ứng 50% thức ăn.

Mô hình trình diễn đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Gồm 3 quy trình kỹ thuật: Thiết kế lồng bè phù hợp với nuôi cá tầm thương phẩm, công nghệ chăm sóc cá trong nuôi cá tầm thương phẩm và công nghệ quản lý môi trường, quản lý sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh trong nuôi cá tầm.

Cá tầm là giống cá hoàn toàn mới đối với bà con nông dân tại điểm trình diễn nên ban đầu chuyển giao kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn do các hộ dân thiếu mạnh dạn đầu tư đối ứng và không có kinh nghiệm với đối tượng giống mới. Nắm được những khó khăn đó, với kinh nghiệm chuyển giao kỹ thuật, cán bộ chỉ đạo mô hình đã khéo léo vận động các hộ dân nhiệt tình tham gia xây dựng điểm trình diễn. Mô hình bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của bà con ngư dân về phương thức nuôi cá có áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Nuôi cá theo hướng thực phẩm an toàn có sự quản lý, giám sát sức khỏe thủy sản, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cách ly với mầm bệnh hạn chế những rủi ro do dịch bệnh gây ra.

Mô hình nuôi cá tầm ở huyện Điện Biên

Cá tầm sinh trưởng phát triển tốt, tăng trọng nhanh thích nghi vời điều kiện thời tiết của địa phương. Ngoài các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu của dự án, cụ thể sau 10 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 90,3%. Trọng lượng bình quân đạt 1,8kg/con. Năng suất đạt 24,38kg/m3. Bà con rất phấn khởi và đánh giá cao kết quả đạt được của mô hình, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục duy trì và phát triển quy mô nuôi cá tầm tại gia đình.

Mô hình trình diễn thành công, cho hiệu quả kinh tế cao đã khơi nguồn cảm hứng cho người dân trong việc tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế. Những năm gần đây người nông dân đã biết tận dụng lợi thế sẵn có ấy để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Tiếp nối thành công tại huyện Điện Biên, đến nay, hoạt động nuôi cá lồng bè nước ngọt nói chung và nuôi cá tầm nói riêng đã mở rộng ra các địa bàn khác trên toàn tỉnh.

Nguyễn Hưng