Diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2017 và hướng giải pháp phát triển năm 2018

ThS. PHẠM THỊ VÂN ANH (Bộ môn Kinh tế học - Khoa học cơ bản Trường Đại học Tài chính Marketing)
TÓM TẮT:
Kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn kế hoạch 6,7% và là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Môi trường kinh doanh được cải thiện, khu vực kinh tế đối ngoại đạt được những con số ấn tượng. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh, dẫn đến thặng dư cán cân thương mại hàng hóa ở mức 2,7 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD. Lạm phát năm 2017 được kiểm soát ở mức thấp và tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đối diện với nhiều tồn tại và thách thức. Bài viết đánh giá diễn biến kinh tế năm 2017 và triển vọng kinh tế cho năm 2018.
Từ khóa: Kinh tế, tăng trưởng, trở ngại, doanh nghiệp, FDI.

1. Thành quả tăng trưởng kinh tế năm 2017
Tăng trưởng kinh tế trung bình năm đạt 6,2%, năm 2017 đạt mức cao nhất trong thời kỳ này (6,81%), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (5,2%), châu Á (6%) và toàn thế giới (3,6%) (số liệu ADB). Điều này đi đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gấp 2,7 lần so với mức tăng trưởng chung. Ngành nông nghiệp có xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành, với những ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao như lâm nghiệp và thủy sản thì xu hướng chuyển đổi của ngành nông nghiệp đạt tốc độ cao hơn nhiều. Một số ngành dịch vụ chất lượng cao đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao liên tục từ 2011 đến 2017. Đến năm 2017, đạt cao nhất, đó là ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (8,14%). Sau đó là kinh doanh bất động sản (4,07%).
Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở với xu hướng tích cực, không những kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh (bình quân năm giai đoạn 2011-2017 cao hơn 2,6 lần mức tăng trưởng GDP, riêng năm 2017 gấp 3 lần), mà kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đạt mốc 400 tỷ USD vào năm 2017. Cán cân thương mại đang có chiều hướng tích cực, xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu thường xuyên đạt được trong giai đoạn 2011-2017.
Kết quả tăng trưởng tổng thu nhập cao đã làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2017 đạt trên 5%, năm 2017 đạt cao nhất (7,6%), với mức 53,5 triệu đồng (tương đương với 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016). Tỷ lệ lạm phát được khống chế ở mức thấp, thường xuyên ở mức dưới 5%, năm 2017 chỉ là 1,7%, tạo điều kiện để nâng cao mức thu nhập thực của dân cư. Tỷ lệ nghèo đói vì thế giảm đi khá lớn. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 ước tính chỉ còn 8%.
Có được những thành công nói trên, là do cả các yếu tố bên trong lẫn các yếu tố bên ngoài. Ở bên ngoài, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi tốt hơn, xu hướng tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu cũng hồi phục, rõ nét nhất là trong năm 2017 (theo đánh giá của WB), nhờ sự gia tăng đầu tư, thương mại và sản xuất công nghiệp. Các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc đều có sự phục hồi vững chắc, đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, vai trò quan trọng của “Chính phủ kiến tạo”, nhất là trong năm 2017, đã kiên định không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, chủ động bám sát kế hoạch, có kịch bản tăng trưởng cho từng quý và cả năm, chỉ đạo theo chuyên đề, đặt ra các giải pháp tăng trưởng cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Về chính sách, Chính phủ điều hành theo hướng chuyển dần từ sử dụng cơ chế chính sách ưu đãi chủ yếu sang coi trọng xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
2. Cơ hội và thách thức cho nền kinh tế năm 2018
Năm 2018 được đánh giá là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Động lực cho sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam là chúng ta có được những thuận lợi, lợi thế sẵn có:
Về điều kiện địa lý và nhân khẩu, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, chung biên giới với Trung Quốc, nước có nền kinh tế phát triển và tốc độ tăng trưởng bùng nổ trong nhiều thập kỷ. Địa hình đất nước hình chữ S nằm dọc bờ biển với điều kiện tự nhiên trù phú về nông nghiệp và thuận lợi cho giao thương trên mọi vùng lãnh thổ. Việt Nam với dân số đứng thứ 14 thế giới, với sức trẻ, nguồn lao động dồi dào đang tạo nên lợi thế đặc biệt về thị trường và nguồn nhân lực trẻ.
Việt Nam có sự ổn định về chính trị và sự nỗ lực của Chính phủ trong hội nhập quốc tế và chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Mức độ ổn định của chính trị Việt Nam được đánh giá cao hơn so với nhiều nước đang phát triển ở châu Á. Đây là một nhân tố quan trọng để Việt Nam thu được những kết quả tăng trưởng ấn tượng, trở thành một quốc gia có mức độ hội nhập khá sâu vào nền kinh tế thế giới.
Về nguồn lực con người, Việt Nam được các quốc gia đánh giá là có khả năng học hỏi nhanh, chịu khó và có ý chí quyết tâm đổi đời, coi trọng giáo dục, nhạy bén nắm bắt thời cơ.
Bên cạnh đó, việc nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017 cũng là một thách thức cho tăng trưởng 2018, nhất là trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm, công nghiệp chế tạo khó có đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu...
Thực tế cũng cho thấy, chưa thể kỳ vọng vào sự đột phá về năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp. Lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi nhanh chóng do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong khi, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường; xu hướng bảo hộ và đưa sản xuất về trong nước của một số nước phát triển sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu trong khối ASEAN đối với nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới một số ngành sản xuất nếu các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh nói trên, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng khá cao, nhưng khó có thể vượt mức tăng trưởng năm 2017. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%-6,7% trên nền tảng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo được các cân đối lớn, bảo vệ môi trường... thì đó là một thành công lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc để phát triển bền vững.
3. Hướng giải pháp phát triển kinh tế năm 2018
Thứ nhất, cơ cấu lại kinh tế đồng bộ, toàn diện, thực chất. Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong năm 2018. Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tăng cường liên kết vùng; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; nâng cao hiệu quả điều phối vùng.
Thứ hai, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trong nước. Giải pháp này hướng tới việc nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong nước trong tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp cho các doanh nghiệp trong nước phải xuất phát từ những quan điểm giải quyết khó khăn của họ trong quá trình hoạt động. Theo đó một số khuyến nghị cụ thể như sau:
- Quan trọng nhất vẫn là thực hiện nhanh quá trình “cởi trói” cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh và bảo vệ hợp pháp của nhà đầu tư, tuyệt đối không đặt ra các rào cản, các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm động lực để thúc đẩy nền kinh tế. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương đã được “phân vai” với các nhiệm vụ cụ thể từ rà soát để loại bỏ các rào cản pháp lý, thủ tục hành chính còn rườm rà, mang nặng tư tưởng “xin - cho”, đến việc xây dựng các cơ chế tài chính, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp...
- Tháo gỡ khó khăn tài chính cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với các doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ và vừa, cần tiếp tục hỗ trợ với mức độ mạnh hơn các chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng vốn, đa dạng hóa các hình thức cho vay, các sản phẩm cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay và thanh toán, đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn cho các doanh nghiệp.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các bộ ngành thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu mục tiêu; tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cụ thể về quy định trong (AEC), nhằm giúp doanh nghiệp hiểu chính xác và đầy đủ về các nội dung cốt lõi của AEC để định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Thứ ba, tiếp tục chuyển đổi từ công nghiệp gia công sang chế biến chế tạo bằng chính sách tiếp tục xem FDI là động lực tăng trưởng, nhưng cần có giải pháp gắn kết các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI. Theo đó, khuyến nghị này có 2 nội dung:
- Tiếp tục tăng cường các chính sách thu hút FDI. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của dòng vốn này, trong thời gian tới, cần lưu ý đến nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, đặc biệt chú trọng các dự án FDI có quy mô vốn lớn, các nhà đầu tư công nghệ gốc. Chỉ tiếp nhận các dòng FDI có lộ trình chuyển giao công nghệ và có đặt nội dung hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong nước và các FDI dưới dạng liên danh liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
- Thực hiện liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Giải pháp này một mặt nhằm thực hiện gắn kết doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI và hướng tới mục tiêu chuyển giao công nghệ, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong nước trong tăng trưởng kinh tế. Thực hiện giải pháp này, cần xây dựng và thực hiện lộ trình thực hiện gắn với doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp Việt Nam theo chuỗi giá trị toàn cầu với quan điểm chủ đạo là đẩy mạnh phát triển CN hỗ trợ trong nước xung quanh quỹ đạo của các doanh nghiệp FDI.
Thứ tư, tăng cường chính sách kích cầu đầu tư trong nước, nhất là khu vực tư nhân. Kích cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước là chính sách có hiệu ứng “hai trong một” đối với chúng ta hiện nay. Một mặt, nhằm mục tiêu khắc phục điểm yếu về kinh tế nội địa thời gian qua do đầu tư trong nước có xu hướng bị “chìm dần”. Năm 2017, mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư GDP đạt trên 33,3%. Tuy nhiên vẫn cần phải đạt mục tiêu cao hơn lên (34-35%) mới đủ lực để tăng trưởng nhanh. Nhất là tỷ lệ vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong nước còn thấp (khoảng 40%) cần được “kích” để cao hơn lên (khoảng 45-50%, giảm đầu tư từ khu vực Nhà nước xuống khoảng 30%). Liên quan đến “kích” cầu đầu tư khu vực tư nhân, cần thực hiện các chính sách tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Cụ thể:
- Về môi trường đầu tư: Các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, vẫn tiếp tục cần với mức độ mạnh hơn các chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ngoài ra là các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, thuê đất đai, thành lập doanh nghiệp, các chính sách thuế,... cần được ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Về cơ hội bỏ vốn: Cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh như: cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu, giới thiệu khách hàng, nhà cung cấp, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cụ thể các nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp.
Thứ năm, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, quản lý chặt chẽ đất đai, nhất là đất nông, lâm trường, bảo đảm hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí. Hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Điều tra, quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Hợp tác quốc tế, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, đá, cát sỏi trái phép. Tiếp tục thực hiện chương trình điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Rà soát, hoàn thiện và thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, pháp luật về đê điều.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chính phủ (2018); Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
2. Ngân hàng Thế giới (2017), Báo cáo Cập nhật Kinh tế khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương 2017.
3. Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017.
4. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (2017), Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018, Tài liệu phục vụ phiên họp Chính phủ tháng 12/2017.

VIETNAM’S ECONOMY 2017 AND THE SOLUTIONS TO VIETNAM’S ECONOMIC GROWTH IN 2018

PHAM THI VAN ANH
Department of Economics, Faculty of Basic Sciences , University of Finance and Marketing

ABSTRACT:
Vietnam's economy achieved positive results in 2017. In which, the economic growth reached the highest increase in seven years with 6.81%, higher than the 6.7% growth rate set by the government. The business environment was improved. The foreign economic sector achieved impressive results. Both imports and exports increased rapidly, resulting in a trade surplus of US$ 2.7. FDI disbursement reached a record at US$ 17.5 billion. Moreover, the inflation in 2017 was controlled at a low level and the exchange rate was stable. However, the Vietnams economy is also facing many shortcomings and challenges. The article reviews the economic outlook of Vietnam in 2017 and the economic outlook for 2018.
Keywords: Economy, growth, obstacles, enterprises, FDI.