Điện Biên, những thành tựu mang dấu ấn của hội nhập, hợp tác và phát triển

Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội. Nhân dịp kỉ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh (1909 -2019), PV Tạp chí Công Thương có cuộc trao đổi với ông Mùa A Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

PV: Xin ông đánh giá về những thành tựu kinh tế xã hội của Điện Biên trong thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây?

Ông Mùa A Sơn: Trong những năm qua, Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhanh, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng nhanh. Đặc biệt du lịch dịch vụ phát triển ấn tượng, góp phần nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô theo quy hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng đạt và vượt kế hoạch. Dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,84%/năm.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn về kinh tế, xã hội, Điện Biên đã và đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, thành lập, giải thể doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2017; 6 bậc so với năm 2016).

Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ. Các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn được triển khai tích cực. Các Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số được duy trì tốt và triển khai có hiệu quả. Lĩnh vực giáo dục được đặc biệt quan tâm, tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng.

Có thể nhận thấy, Điện Biên đã trải qua một giai đoạn lịch sử quan trọng, đánh dấu sự phát triển toàn diện mọi mặt. Diện mạo tỉnh nhà có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

PV: Xin ông cho biết những kết quả bước đầu đạt được? Những khó khăn thách thức trong quá trình triển khai các chính sách nhằm phát triển kinh tế Điện Biên, đặc biệt là ngành Công Thương?

Ông Mùa A Sơn: Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp để tạo động lực, sự đột phá trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư vào tỉnh.

Đặc biệt, về cải thiện môi trường kinh doanh, Điện Biên đã triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018, định hướng đến năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; tổ chức gặp gỡ đối thoại trực tiếp và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư… Qua đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 tăng 6 bậc so với năm 2016.

Tỉnh đang có chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Những Dự án Điện Biên kêu gọi đầu tư hiện nay về Thủy điện, Thương mại Dịch vụ, Khu cụm công nghiệp, … Hiện, đã có một số nhà đầu tư lớn đang quan tâm như Tập đoàn TH Truemilk, Vietjet, Vingroup, FLC…

Với những nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đạt nhiều kết quả khả quan. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh hàng năm, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 1.268 doanh nghiệp.

Những năm qua, Điện Biên đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Điện Biên là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế nhỏ. Hạ tầng chưa đủ đáp ứng cho sản xuất hàng hoá và phát triển dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Bên cạnh đó, do giao thông đi lại khó khăn, chí phí lưu thông cao nên việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào sản xuất công nghiệp, thương mại còn hạn chế. Hạ tầng thương mại, công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Sản xuất còn mang tính chất tự cung tự cấp cũng phần nào ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp thương mại của tỉnh.

PV: Vậy hướng phát triển sắp tới là gì để phát huy được tiềm năng của địa phương, thưa ông?

Ông Mùa A Sơn: Điện Biên có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch, có lợi thế trong phát triển nông lâm nghiệp… Đây là điều kiện thuận lợi để có thể phát triển sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Điện Biên còn có các lợi thế như có sân bay; có hai cửa khẩu quốc tế Việt - Lào, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế Tây Trang và khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư, lối mở A Pa Chải trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, có đường xuyên Á dự kiến đi qua địa bàn, đang và sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế, phát triển du lịch và dịch vụ vận tải quốc tế.

Hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là khai thác tối đa các tiềm năng khoáng sản; tiềm năng thuỷ điện; tiềm năng phát triển sản xuất gắn với chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu gạo tại huyện Điện Biên, Mắc Ca tại huyện Điện Biên và Mường Nhé, vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên; vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé; vùng chè Tủa Chùa... Hình thành một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

PV: Xin cảm ơn ông!