Điện Biên tăng cường công tác quy hoạch thu hút đầu tư

Mục tiêu xây dựng TP Điện Biên Phủ trở thành một đô thị văn minh hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc truyền thống và tiến tới đưa TP Điện Biên Phủ thành đô thị loại 2, vừa qua ngành Xây dựng tỉnh Điện Biên đã trình dự thảo Kế hoạch phát triển đô thị thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2025.

Theo dự thảo Kế hoạch phát triển đô thị thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2025 với mục đích tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai và các thành phần kinh tế phát triển đô thị thành phố Điện Biên Phủ theo hướng hiện đại, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, hành chính của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Định hướng phát triển đô thị thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2025: mở rộng không gian đô thị theo địa giới hành chính mở rộng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 815/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 với diện tích tự nhiên là 308,18km2 và quy mô dân số 80.366 người; xây dựng các khu dân cư với mật độ cao, có công năng hợp lý, hình thức hiện đại và phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái.

Dự thảo Kế hoạch phát triển đô thị thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2025 theo hướng hiện đại

Về định hướng kinh tế, phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2030 với tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12 – 12,5%; GDP bình quân đầu người đạt 8.000 USD/người/năm. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các định hướng giải pháp như: duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, cân đối thu chi dư; giảm tỷ lệ hộ nghèo; khai thác các nguồn thu từ quỹ đất; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng dân số cơ học, tỷ lệ tăng dân số từ 2,1 – 2,5%.

Ngoài ra, tổng nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp phục vụ các chương trình, dự án trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên đến năm 2025 là 14,1 triệu m3. Tổng diện tích khoanh định đất làm vật liệu san lấp là 90,42 ha với tổng trữ lượng các mỏ dự kiến 16,11 triệu m3. Tuy nhiên, hầu hết các điểm, khu vực dự kiến khai thác đất làm vật liệu san lấp đều nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, phải chuyển đổi mục đích sử dụng, trồng rừng thay thế trước khi cấp phép thăm dò; việc khai thác đất làm vật liệu san lấp phục vụ các công trình theo quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn mất rất nhiều thời gian.

Đến nay, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của Ngành Xây dựng tỉnh Điện Biên tiếp tục có nhiều chuyến biến tích cực. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị huyện lỵ Mường Nhé, Ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện các công việc tiếp theo của dự án điều chỉnh quy hoạch phân khu Trung tâm dịch vụ thương mại và văn hóa bảo tàng; hoàn thành công tác cắm mốc giới ngoài thực địa đối với Đồ án quy hoạch chi tiết khu vực dọc đường Võ Nguyên Giáp đến sông Nậm Rốm thuộc phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ và khu vực phía Tây sông Nậm Rốm thuộc xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên…

Theo báo cáo, đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 29 quy hoạch được điều chỉnh, đảm bảo phù hợp với quy định, sự phát triển của tỉnh. Ðiển hình như 4 đồ án quy hoạch thị trấn tại các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông được lập và UBND tỉnh phê duyệt thời kỳ 1996 - 1998 đến nay không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các đô thị nên đã được điều chỉnh quy hoạch chung.

Đến nay toàn tỉnh Điện Biên có 10 đô thị, các đô thị đều đã được lập và phê duyệt quy hoạch chung hoặc điều chỉnh quy hoạch chung, tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung. Đặc biệt, trong tháng 3 năm 2021, Ngành đã hoàn thành báo cáo dự thảo Kế hoạch phát triển đô thị thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2025. Đây là bản kế hoạch mang ý nghĩa quan trọng không chỉ với thành phố Điện Biên Phủ mà còn đối với cả tỉnh Điện Biên, bởi nếu được thông qua, nó sẽ là cơ sở để tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai và các thành phần kinh tế phát triển đô thị thành phố Điện Biên Phủ theo hướng hiện đại, xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, hành chính của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025. Khi đó thành phố Điện Biên Phủ sẽ phát huy được tối đa lợi về du lịch, dịch vụ và làm tốt vai trò đầu tàu để kéo kinh kinh tế của tỉnh đi lên.

PV