Diễn đàn năng lượng 2017: Phát triển nhiệt điện than bền vững

Sáng ngày 04/5/2017 tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Kinh tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức "Diễn đàn năng lượng: Hiện tại và tương lai", nhằm mục tiêu phát triển ngành năng lư

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, với sản lượng cụ thể là khoảng 100 - 110 triệu TOE năm 2020 và 310 - 320 triệu TOE năm 2030. Vấn đề đặt ra được tập trung trao đổi, thảo luận chính tại diễn đàn là việc khai thác hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng.

Thách thức nhu cầu năng lượng tăng cao, áp lực cho nguồn cung

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã được phê duyệt thì nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2030 bình quân khoảng 9-10%/năm, gấp 1,5 lần tăng trưởng GDP. Trong khi đó, nguồn nhiên liệu phục vụ cho mục đích sản xuất và tiêu dùng như than đá, dầu thô đang có xu hướng cạn kiệt.Ngoài việc phát triển các nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí thì nhiệt điện than đang là nguồn huy động quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ và nặng nề hơn. Điều này một mặt gây áp lực cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mặt khác tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng.

Thực tế hiện nay, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than vẫn là nguồn huy động lớn và quan trọng. Tuy vậy, những thách thức trong việc bảo vệ môi trường cũng là những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và vận hành các nhà máy này.
Với 20 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động với công suất lắp đặt khoảng 13.110 MW, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế chính sách hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sử dụng công nghệ thân thiện môi trường.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Nguồn ảnh (Báo Nhân dân)

Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu (XK) năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Nếu như trước đây, Việt Nam từng XK năng lượng, điện sang Campuchia, Lào; XK than lớn với đợt cao điểm lên đến 20 triệu tấn/năm thì từ năm 2016 đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và mua điện từ Trung Quốc với thời điểm cao nhất lên đến 5 tỷ kWh. Hiện nay, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc có giảm hơn, nhưng cũng đạt trên dưới 1 tỷ kWh/năm. Dự kiến, ta cũng sẽ phải nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện năm 2020 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó.

Giải bài toán năng lượng

Phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Đó là nhận định của PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam. Theo ông Trần Đình Thiên, việc tiêu thụ năng lượng ở ta đang mất cân đối, đáng chú ý là hiệu quả kinh tế của nhiều ngành còn chưa tương xứng với việc sử dụng năng lượng, do vậy chưa tạo ra nhiều giá trị giá tăng cho sản phẩm. Mặt khác, việc giá điện thấp, chưa theo cơ chế thị trường đã dẫn tới việc tiêu dùng lãng phí, không đảm bảo yếu tố phát triển bền vững khi khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và từ đó cũng làm giảm đầu tư cho các nguồn điện mới.

Việt Nam cần tính toán để đón đầu xu hướng công nghệ mới, ứng dụng và sử dụng các thành tự khoa học công nghệ nhằm giảm bớt việc phụ thuộc và tiêu hao nhiều năng lượng. Bộ Công Thương cần đặt phương hướng phát triển năng lượng trong tổng thể về phát triển công nghệ, chiến lược cần cân bằng với thị trường cả cung và cầu.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Ngô Đông Hải thì cho rằng,chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam phải dựa trên 3 trụ cột:

Một là, đa dạng hóa các nguồn năng lượng thay thế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về năng lượng của đất nước;

Hai là, tiến thẳng vào công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng bền vững các nguồn năng lượng;

Ba là, khuyến khích sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất và tiêu dùng.

Để giải quyết bài toán năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế chính sách theo hai cách tiếp cận, một là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hai là sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất năng lượng cho nhu cầu sử dụng. Cụ thể,đang chuyển đổi từ giai đoạn sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT), hướng tới một nền kinh tế cacbon thấp, thân thiện với môi trường.

Áp dụng công nghệ phát triển nhiệt điện than bền vững

Trong bối cảnh các nguồn điện năng từ thủy điện đã khai thác hết, điện hạt nhân đã dừng đầu tư, NLTT dù có tiềm năng nhưng mới chỉ khai một phần nhỏ, nguồn khí dần suy giảm, nhiệt điện than vẫn là nguồn điện quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và đời sống, đất nước trong những năm sắp tới. Vấn đề không phải là có phát triển nhiệt điện than hay không mà làm sao phát triển nhiệt điện than vừa nhằm đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, vừa không hủy hoại môi trường.

PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích, dư luận đang lo ngại về nhiệt điện than nhưng với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, phát triển nhiệt điện than là bắt buộc. Ở đây không phải điện than có làm hay không mà là công nghệ nào, cơ chế nào, lợi ích nào để đưa công nghệ vào ứng dụng? Làm được điều này, phải có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ hiện đại, ít phát thải bằng chính sách giá điện đủ hấp dẫn.

Ông Nguyễn Tài Anh -Phó giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết thêm, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than đều đã được xây dựng phương án xử lý khí thải, nước thải và chất thải rắn đúng theo quy định; đồng thời toàn bộ NMNĐ đốt than của EVN đều được thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp để đạt được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, thời gian tới, các nhà đầu tư, nhà tài trợ cũng yêu cầu công nghệ nhiệt điện than phải là công nghệ tới hạn, siêu tới hạn để đáp ứng yêu cầu về môi trường trong phát triển nhiệt điện than. Chính phủ cũng sẽ quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường trong việc phát triển nhiệt điện than.
Thu Nga