Điện lực miền Nam: An toàn phải được ưu tiên hàng đầu

An toàn luôn được ưu tiên hàng đầu, không có công việc nào quá khẩn cấp và quan trọng để không thể thực hiện một cách an toàn.

Tại Hội nghị mới đây về xây dựng đề án “Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, thiết bị dụng cụ an toàn và thi công giai đoạn năm 2018 - 2023”, ông Hồ Quang Ái - Phó Tổng giám đốc EVN SPC đã nhấn mạnh, trong bất kỳ tình huống nào, an toàn luôn được ưu tiên hàng đầu, không có công việc nào quá khẩn cấp và quan trọng để không thể thực hiện một cách an toàn.

Huấn luyện định kỳ công tác AT VS LĐ cho Công nhân Điện lực Côn Đảo

Bên cạnh đó, công tác ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ gây tai nạn cho người lao động cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đặt ra trong năm 2018.

Công nhân Điện lực Năm Căn (Công ty Điện lực Cà Mau) kéo điện về các hộ dân vùng sâu khu vực xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, Cà MauCBCNV Tổng công ty thực hiện công tác Tuyên truyền sử dụng điện an toàn cho người dân tại tỉnh Trà Vinh

Theo ông Ái, trong năm nay, Tổng công ty sẽ tập trung hoàn thiện bộ video clip huấn luyện, phê duyệt ban hành và phổ biến đến các đơn vị áp dụng vào việc huấn luyện an toàn lao động; hướng dẫn nhận diện mối nguy hiểm, đánh giá rủi ro và tổ chức quản lý rủi ro trong EVN SPC.


Đưa vào vận hành phần mềm “Giám sát an toàn”, đảm bảo 100% công tác trên lưới điện phải được kiểm tra giám sát; xây dựng đề án “Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, thiết bị dụng cụ an toàn và thi công giai đoạn năm 2018 - 2023” nhằm cải thiện điều kiện làm việc và giảm nhẹ sức lao động cho công nhân; rà soát và đánh giá lại tiêu chuẩn thiết kế, thi công và sử dụng loại trụ dự ứng lực, đà composite, nhất là các vị trí chịu lực ngang lớn trên lưới điện.


Hiện EVN SPC đang rà soát, sửa đổi và ban hành lại các quy chế quản lý nội bộ về an toàn nhằm phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đảm bảo mỗi lĩnh lực chỉ có một quy định; rà soát các tiêu chuẩn kỹ thuật lưới điện trung, hạ áp, hệ thống đo đếm lắp đặt trên trụ điện để sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành và sửa chữa, bảo trì.


Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị về việc thực hiện quy chế, quy trình, quy định và tiêu chuẩn về an toàn lao động, đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của kỹ sư an toàn điện lực/chi nhánh điện cao thế theo “Quy định tiêu chuẩn - chức năng - nhiệm vụ - quyền hạn của bộ máy làm công tác an toàn.


Tổng công ty cũng tổ chức các lớp đào tạo về an toàn trong sửa chữa điện nóng (hotline) cho lực lượng làm công tác an toàn tại các đơn vị.


Về phía đơn vị sẽ rà soát và bổ sung đưa vào giáo trình bồi dưỡng nghề, nâng giữ bậc nội dung đào tạo về kỹ năng thi công công trình: trồng trụ, lắp dây chằng, lắp đà, rải dây, kéo căng dây… nhằm nâng cao tay nghề cho công nhân...


 Để nâng cao ý thức đảm bảo an toàn cho người lao động, ông Ái cho biết, các cấp quản lý các điện lực/chi nhánh điện cao thế thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức khác nhau.


Trong sinh hoạt hàng ngày chiếu các hình ảnh về các vụ tai nạn lao động, video clip về những tình huống công việc, tránh lý thuyết suông để thu hút sự chú ý của người lao động; đồng thời luôn nhắc nhở người lao động “Đảm bảo an toàn lao động, vì người lao động là vốn quý nhất”.


“Vì vậy, người lao động có quyền và phải biết từ chối không chấp hành mệnh lệnh khi phát hiện vị trí hay phương tiện làm việc chưa đảm bảo an toàn”, ông Ái cho biết.


 Theo EVN SPC, bên cạnh tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, Tổng công ty cũng thường xuyên sát hạch về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ, nhân viên theo đúng quy định. 


Đồng thời, với trang thiết bị làm việc, các đơn vị trong tổng công ty liên tục rà soát trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại; trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; 


Tổ chức tự kiểm tra an toàn thiết bị, máy móc, nhà xưởng,... và việc chấp hành các quy định, quy trình, biện pháp làm việc an toàn đối với từng loại máy móc, thiết bị; Rà soát và xử lý các vị trí nguy hiểm trên lưới điện phát sinh trong phạm vi quản lý nhằm bảo đảm an toàn khi làm việc tại những vị trí này;


 Các đơn vị trong Tổng công ty nghiên cứu quy định hình thức khen thưởng cụ thể, đủ tác động vào tâm lý, vinh dự của cá nhân và tập thể cũng như đời sống vật chất, tinh thần để động viên kịp thời các tấm gương thực hiện tốt an toàn lao động.


 Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ quản lý, người lao động không thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, biện pháp an toàn, biện pháp kỹ thuật khi làm việc.


Hồng Lực