TÓM TẮT:

Du lịch không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, mà còn tạo động lực phát triển các ngành kinh tế khác, tạo ra được nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Bài viết cung cấp khái quát về mặt lý luận và pháp lý điều kiện cấp phép kinh doanh du lịch từ Luật Du lịch 2017, cùng các văn bản hướng dẫn luật, giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nắm bắt rõ nét hơn về pháp luật du lịch hiện hành.

Từ khóa: cấp phép, kinh doanh du lịch, lý luận, pháp lý, du lịch.

1. Khái niệm điều kiện cấp phép kinh doanh du lịch

1.1. Khái niệm du lịch

“Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ và hiện tượng phát sinh từ cuộc hành trình và lưu trú tạm thời của các cá nhân tại những nơi không phải là nơi ở và nơi làm việc thường xuyên của họ”. Trong khái niệm này, sự tiến triển lớn trong nhận thức về du lịch được thể hiện khi người đưa ra khái niệm đề cập đến đồng thời hoạt động của người đi du lịch và những hoạt động khác liên quan được bắt nguồn từ việc đi du lịch của khách du lịch. Những hoạt động đó có thể được phát sinh nhằm hỗ trợ cho việc đi du lịch của khách du lịch được thuận tiện hơn, cũng có thể là những tương tác giữa khách du lịch với những yếu tố hoặc những người họ gặp trong chuyến hành trình của mình.

Pháp luật về du lịch là tổng thể các nguyên tắc và quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ pháp lý phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lý và thực hiện các hoạt động du lịch. Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

1.2. Điều kiện cấp phép kinh doanh du lịch

Pháp luật về cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch và hoạt động quản lý nhà nước về việc đăng ký cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch. Ở những thế kỷ trước, các nhà khoa học, các nhà kinh doanh quan niệm du lịch là hoạt động mang tính chất văn hóa giúp cho con người thỏa mãn nhu cầu giải trí, tìm hiểu của con người và khi đó du lịch không được xem là hoạt động kinh tế, không mang tính chất kinh doanh và ít được chú trọng đầu tư phát triển. Hiện nay, du lịch đang được cả thế giới chú ý đến và được xem là một ngành kinh tế tổng hợp từ các ngành khác đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Du lịch bao gồm các hoạt động khá đa dạng từ dịch vụ kinh doanh khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống, cung cấp quà lưu niệm cho du khách. Từ việc tổng hợp các kiến thức lý luận và từ thực tiễn về hoạt động du lịch tại Việt Nam hiện nay, tại Khoản 3 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017 đã định nghĩa hoạt động du lịch: “là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch”.

Chương V, Luật Du lịch năm 2017 quy định rõ ràng các mục của từng hình thức kinh doanh du lịch: Kinh doanh dịch vụ lữ hành; Kinh doanh vận tải khách du lịch; Kinh doanh lưu trú du lịch; Kinh doanh dịch vụ khác (bao gồm các dịch vụ như dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, dịch vụ vui chơi và giải trí, dịch vụ thể thao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và các dịch vụ khác phục vụ cho du khách).

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, việc mở rộng quyền tự do kinh doanh luôn được các quốc gia trên thế giới coi trọng. Hiến pháp năm 2013 hiện hành đã quy định việc thể chế hóa quyền tự do kinh doanh của công dân tại Điều 33, như sau “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”. Các nhà nghiên cứu pháp luật cho rằng, quyền tự do kinh doanh chính là quyền tự do trong hoạt động kinh tế, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do kinh doanh cũng luôn có những ràng buộc nhất định mà khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia quy định. Khi đó, tự do trong kinh doanh và giới hạn quản lý của Nhà nước đối với sự phát triển của thị trường luôn có quan hệ mật thiết. Ứng với mỗi giai đoạn phát triển, pháp luật lại có những thay đổi nhất định trong việc xác định nội hàm của quyền tự do trong kinh doanh. Một lẽ đương nhiên khi quyền tự do kinh doanh của cá nhân được mở rộng, pháp luật phải thay đổi cách thức và nội dung quản lý nhà nước đối với thị trường.

Khoản 2 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây đã định nghĩa về điều kiện kinh doanh như sau: “Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác”. Luật Doanh nghiệp năm 2020 không nêu ra định nghĩa hoặc khái niệm về điều kiện kinh doanh hoặc những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà thay vào đó tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Từ những lý do trên đây cho thấy điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch là yêu cầu mà các tổ chức, cá nhân phải buộc phải đáp ứng khi kinh doanh dịch vụ du lịch được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thể hiện bằng các hình thức theo quy định của pháp luật.

1.3. Đặc điểm và vai trò của điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch

1.3.1. Đặc điểm của điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch

Với đặc điểm thị trường du lịch, các điều kiện về cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch bao gồm:

Một là, Chủ thể kinh doanh du lịch bao gồm: Các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập, chấp nhận cấp giấy phép cho đầu tư kinh doanh.

Hai là, Ký quỹ doanh nghiệp: Từng loại hình kinh doanh du lịch mà có mức ký quỹ khác nhau đã được pháp luật du lịch Việt Nam quy định.

Ba là, Cơ sở vật chất - cơ sở hạ tầng: Phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, cơ sở hạ tầng theo đúng pháp luật quy định đối với các doanh nghiệp, các công ty.

Bốn là, Điều kiện về trình độ và nghiệp vụ của người quản lý phải đúng và hợp pháp.

Năm là, Các điều kiện khác: An ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng,… phải được đảm bảo.

Điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch được áp dụng với các điều kiện kinh doanh riêng phụ thuộc vào từng lĩnh vực mà chủ thể đăng ký cấp phép kinh doanh. Nói chung, các quy định pháp luật tuy có khác biệt trong các thời kỳ khác nhau theo từng giai đoạn theo tiến trình của hội nhập kinh tế quốc tế nhưng giữa các quy định này vẫn có sự nhất quán về nhiều nội dung cơ bản.

1.3.2. Vai trò của điều kiện cấp phép kinh doanh du lịch

Pháp luật du lịch Việt Nam quy định về các điều kiện để được cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch dựa trên tính đặc thù, cũng như vai trò của ngành Du lịch như sau:

Một là, Đối với chính trị - an ninh quốc gia: Du lịch góp phần củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia trên thế giới, tăng cường sự hiểu biết về đất nước, con người, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, kinh tế - xã hội của các nước mà du khách đến tham quan du lịch. Du lịch là hoạt động gắn kết con người sống ở các khu vực khác nhau hiểu biết nhau hơn và xích lại gần nhau, do đó các hoạt động kinh doanh du lịch theo chủ đề đã và đang được thực hiện, kêu gọi hàng triệu người quý trọng văn hóa, lịch sử và truyền thống của các quốc gia, giáo dục lòng mến khách và trách nhiệm của chủ nhà đối với khách du lịch, tạo nên sự hiểu biết về tình hữu nghị của các dân tộc.

Hai là, Đối với hoạt động về kinh tế: Hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch có tác động tích cực đến nền kinh tế của một đất nước, một vùng, một địa phương thông qua việc tiêu dùng của khách du lịch. Đồng thời, thông qua lĩnh vực lưu thông, du lịch có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp và nông nghiệp (như công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp gỗ, công nghiệp dệt, ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi,...). Du lịch là ngành luôn đòi hỏi hàng hóa chất lượng cao, đa dạng và phong phú về chủng loại, thẩm mỹ về hình thức, góp phần phát triển thị trường sản xuất hàng hóa.

Ba là, Đối với văn hóa, xã hội: Trong đời sống xã hội của con người, du lịch là hiện tượng khách quan, có vai trò to lớn trong việc giữ gìn, khôi phục sức khỏe và tăng cường sức sống cho nhân dân. Góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế vùng có hoạt động du lịch và giảm quá trình đô thị hóa. Dựa vào việc tài nguyên du lịch tự nhiên có ở các vùng hẻo lánh, xa xôi, vùng ven biển,... việc khai thác đưa những tài nguyên này vào sử dụng đòi hỏi phải đầu tư về mọi mặt giao thông, bưu điện, kinh tế, văn hóa, xã hội,... Do vậy, việc phát triển du lịch sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội giữa các vùng trong nước, giảm đi sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng đó, đồng thời góp phần làm giảm sự tập trung dân cư ở những trung tâm. Thông qua việc sử dụng các dịch vụ du lịch, khách du lịch sẽ được thường xuyên tiếp xúc với người dân địa phương làm tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị.

Bốn là, Đối với môi trường sinh thái: Vai trò sinh thái của du lịch được thể hiện trong việc tạo nên môi trường sống ổn định về mặt sinh thái. Nghỉ ngơi du lịch là nhân tố có tác dụng kích thích việc bảo vệ khôi phục và tối ưu hóa môi trường thiên nhiên bao quanh, bởi vì chính môi trường này có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và hoạt động của con người. Việc đẩy mạnh hoạt động du lịch, tăng mức độ tập trung khách vào những vụ nhất định lại đòi hỏi phải tối ưu hóa quá trình sử dụng tài nguyên tự nhiên với mục đích du lịch. Hiện nay, việc khai thác du lịch ở một số nơi chưa tốt, do vậy con người phải đặt ra vấn đề bảo vệ tự nhiên, đảm bảo điều kiện sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý.

2. Pháp luật về điều kiện cấp phép kinh doanh du lịch

2.1. Điều kiện cấp phép kinh doanh lữ hành

Các tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện quy định dưới đây được cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hoặc quốc tế

Về chủ thể: Theo quy định tại Điều 31 Luật Du lịch năm 2017, chủ thể kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế “là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp”.

Điều kiện về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 31 Luật Du lịch năm 2017. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100.000.000đ đồng. Đối với kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đến Việt Nam là 250.000.000đ. Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài là 500.000.000đ. Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài là 500.000.000đ.

Phương thức ký quỹ: Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Điều kiện và yêu cầu đáp ứng trình độ chuyên môn:

- Đối với kinh doanh lữ hành nội địa: Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành trở lên; trường hợp tốt nghiệp Trung cấp trở lên của chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

- Đối với kinh doanh lữ hành quốc tế: Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí do Bộ Tài chính quy định. Phí thẩm định cấp mới giấy phép: 3.000.000đ/giấy phép, phí cấp đổi: 2.000.000đ/giấy phép, phí cấp lại: 1.500.000đ/giấy phép.

2.2. Điều kiện cấp phép kinh doanh vận tải khách du lịch

Kinh doanh vận tải khách du lịch làm việc cung cấp dịch vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ chuyên phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch, tại khu du lịch, điểm du lịch. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch phải đáp ứng đúng yêu cầu điều kiện kinh doanh vận tải; quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải; điều kiện của người điều khiển phương tiện vận tải, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên từng loại phương tiện vận tải theo quy định.

Phương tiện vận tải khách du lịch có biển hiệu được vận tải hành khách theo hợp đồng và được ưu tiên bố trí neo đậu, dừng, đỗ để đón, trả khách du lịch tại sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe, trong khu du lịch, gần địa điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và được hoạt động không hạn chế thời gian trên các tuyến giao thông vận tải các địa điểm điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm cung ứng dịch vụ du lịch theo quy định của chính quyền địa phương.

2.3. Điều kiện cấp phép kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch

Cơ sở lưu trú du lịch là cơ sở kinh doanh buồng, giường và các dịch vụ khác đủ tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch gồm: Khách sạn; Biệt thự du lịch; Căn hộ du lịch; Tàu thủy lưu trú du lịch; Nhà nghỉ du lịch; Nhà ở các phòng cho khách du lịch thuê; Bãi cắm trại du lịch; Các cơ sở lưu trú du lịch khác.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được pháp luật quy định như sau:

- Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

- Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch

Thẩm quyền thẩm định, công nhận hàng cơ sở lưu trú du lịch được quy định như sau:

- Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao và hạng 5 sao;

- Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 1 sao, 2 sao và 3 sao.

Hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm: Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia và xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch; Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.

Phí thẩm định công nhận hàng cơ sở du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí (thẩm định công nhận mới hoặc công nhận lại). Hạng 1 và 2 sao: 1.500.000đ/hồ sơ. Hạng 3 sao: 2.000.000đ/hồ sơ. Hạng 4 và 5 sao: 3.500.000đ/hồ sơ.

Tổng cục Du lịch công bố danh sách cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh; tổ chức kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh Công bố danh sách cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng theo thẩm quyền; tổ chức kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch thu hồi quyết định công nhận hạn đối với cơ sở lưu trú du lịch không duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn đã được công nhận.

2.4. Điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch khác

Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ mua sắm; Dịch vụ thể thao; Dịch vụ vui chơi, giải trí; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch khác được tự nguyện đăng ký công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hồ sơ đăng ký công nhận bao gồm: Đơn đề nghị theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; Bản thuyết minh đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch kể trên cũng phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh (nếu có) trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các đạo luật về chăm sóc sức khỏe,...

3. Kết luận

Du lịch đang ngày càng khẳng định được tầm quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Kinh doanh dịch vụ du lịch là một ngành kinh doanh tổng hợp, có hiệu quả về nhiều mặt chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách, chống tụt hậu về mặt kinh tế. Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh doanh dịch vụ và quản lý nhà nước về du lịch, nổi bật nhất là Luật Du lịch để tạo môi trường pháp lý minh bạch, tạo cơ chế thông thoáng cho các hoạt động liên quan trong lĩnh vực du lịch, giúp ngành Du lịch Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013), Hiến pháp năm 2013.
  2. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp 2020.
  3. Quốc hội (2017), Luật Du lịch 2017.
  4. Chính phủ (2017), Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
  5. Trần Đức Thanh (2008), Nhập môn Khoa học Du lịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Đỗ Thị Bông (2020), Pháp luật du lịch, NXB Tư pháp.
  7. Nguyễn Bá Lâm (2006), Giáo trình Tổng quan du lịch, NXB Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
  8. Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Hồng Chương (2006), Giáo trình quản trị kinh doanh lữ hành, NXB ĐH Kinh tế quốc dân.
  9. Baron de Monstes quieu (2010), Tinh thần pháp luật, NXB Đà Nẵng.

Tourism licensing conditions: Some theoretical and legal issues

Master. Nguyen Le Phuong Anh

Lecturer, Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

The tourism industry has greatly contributed to the national economic growth and also has had positive impacts on other industries, creating employment opportunities and increasing income. This paper provides a theoretical and legal overview of tourism licensing conditions under the 2017 Law on Tourism and its guiding documents to help individuals and enterprises in the tourism industry better understand the current regulations on tourism activities.

Keyword: licensing, tourism business, theoretical, legal, tourism.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]