Định hướng xây dựng mô hình du lịch cải thiện kỹ năng sinh tồn gắn liền với cộng đồng tại vườn quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông

VŨ TUẤN ĐỨC -  ĐỖ THỊ ÁNH THƯ - TRẦN ĐÌNH NHỊ LONG - NGUYỄN VĂN NHỨT TRÍ (Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng (tỉnh Đăk Nông) được đánh giá có tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch nói chung và du lịch cải thiện kỹ năng sinh tồn nói riêng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc đầu tư, phát triển mô hình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thông qua nghiên cứu tài liệu, thống kê và điều tra khảo sát nhằm phản ánh thực trạng, nghiên cứu đưa ra các giải pháp phát triển mô hình du lịch cải thiện kỹ năng sinh tồn gắn liền với cộng đồng, thúc đẩy quá trình phát triển du lịch dựa trên những thế mạnh hiện nay của khu vực VQG.

Từ khóa: kĩ năng sinh tồn, đào tạo kĩ năng, cải thiện kĩ năng, du lịch sinh tồn, sinh tồn.

1. Đặt vấn đề

Du lịch cộng đồng xuất hiện từ những năm 1970 đã thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển mạnh mẽ, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của cư dân bản địa. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch (National Administration of Tourism - VNAT), đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 5.000 homestay hoạt động với sức chứa gần 100.000 khách, trong đó có hơn 2.000 cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn (VNAT, 2020). Điều này thể hiện tầm quan trọng của du lịch cộng đồng trong công tác phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia.

Từ năm 2011, Liên minh Châu Âu (EU) hợp tác với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, dưới sự thực hiện của VNAT tiến hành thực hiện chương trình: “Phát triển năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội”. Dự án thí điểm du lịch cộng đồng tại các khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ chính sách, tăng cường thể chế, vị thế cạnh tranh và giúp đào tạo nguồn nhân lực trong du lịch (VNAT, 2016). Tùy vào từng loại hình du lịch có thể được gắn liền với cộng đồng và dựa vào cộng đồng. Hiện tại, mô hình du lịch cải thiện kỹ năng sinh tồn gắn liền với cộng đồng cũng đang được chú ý.

Theo Charles Darwin (1859) khám phá ra quy luật “đào thải tự nhiên”, quy luật “đấu tranh sinh tồn”, “khôn sống mống chết”. Để đảm bảo được sự tồn tại và phát triển, con người cần phải đấu tranh dựa vào kỹ năng sống hay bản năng sinh tồn. Đó là những kỹ năng được hình thành trong quá trình tiến hóa của loài người thông qua quá trình tìm tòi, học hỏi và được hướng dẫn (đào tạo) thông qua các thế hệ đi trước. Việc đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Theo Roodbari, Sahdipoor, và Ghale (2013) cho thấy đào tạo kỹ năng sống có ảnh hưởng tích cực và cải thiện phát triển xã hội, làm gia tăng tính tương thích của trẻ em và sức khoẻ cộng đồng. Nghiên cứu của Ramesh và Farshad C. (2004) chứng minh hiệu quả của việc đào tạo kỹ năng như tăng cường sức khỏe, cải thiện tinh thần và thể chất, giảm thiểu những hành vi tự hủy hoại bản thân và các vấn nạn xã hội.

Tổ chức Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết quản lý khu bảo tồn với các hoạt động kinh tế của cộng đồng địa phương trong Chiến lược Bảo tồn Thế giới (IUCN, 1980). Vườn Quốc gia Tà Đùng được chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông (TTg, 2018). Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng của UBND tỉnh Đắk Nông được phê duyệt hình thành khu du lịch đa chức năng sinh thái - văn hóa, có quy mô phù hợp, mang tính cạnh tranh cao, tạo sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Nội dung của Quyết định đề cập đến định hướng quy hoạch tuyến, điểm và sản phầm du lịch gồm: Du lịch vui chơi giải trí (vui chơi giải trí hồ - đảo, vui chơi giải trí cụm thác dưới tán rừng); du lịch thể thao-mạo hiểm (du lịch thể thao mạo hiểm mặt nước, du lịch thể thao mạo hiểm rừng bảo tồn, du lịch dã ngoại nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch sinh thái kết hợp lưu trú nghỉ dưỡng trong rừng nguyên sinh) và du lịch tín ngưỡng tại khu vực VQG (UBND, 2014). Những điều kiện đặc trưng của khu vực VQG sẽ thuận lợi cho công tác xây dựng mô hình DLST.

Trên thế giới cũng có nhiều chương tình truyền hình thực tế về kỹ năng sinh tồn như Man and Wild, Dual Survival, Marooned with ED Taford, Naked Castaway… Tại Việt Nam cũng có những chương trình truyền hình thực tế như The Amazing Race Việt Nam, chương trình “Trải nghiệm sinh tồn trong rừng sâu” tại khu Du lịch Sinh thái Bản Rõm, Hà Nội. Tuy nhiên, đây chỉ là những chương trình truyền hình thực tế. Về nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này, hiện nay chỉ có nghiên cứu của nhóm Cao Thị Vân Anh, Nguyễn Việt Anh về khởi nghiệp mô hình DLSTT tại Hải Phòng.  Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chưa điều tra sâu nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách đối với mô hình này cũng như chưa triển khai thực tế mô hình tại điểm. Nghiên cứu này giúp khảo sát nhu cầu của du khách đối với mô hình DLST và đề ra giải pháp giúp VQG xây dựng mô hình DLST gắn liền với cộng đồng.

2. Cơ sở dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

- Về dữ liệu nghiên cứu: Bài viết sử dụng nguồn số liệu thứ cấp được lấy từ một số nghiên cứu về đào tạo kĩ năng, kinh nghiệm tổ chức mô hình DLST trên thế giới và tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn lấy số liệu từ Tổng cục Du lịch, Cục Quản lý Môi trường và một số nguồn khác. Nguồn số liệu thứ cấp là số liệu của cuộc điều tra năm 2020 đến năm 2021 và gồm: Điều tra hộ xung quanh điểm tài nguyên với 20 dân hộ dân, cán bộ kiểm lâm, ban quản lý VQG Tà Đùng tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, nghiên cứu còn khảo sát khoảng 200 mẫu về nhu cầu của du khách đối với mô hình DLST.

- Về phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu chủ yếu trong bài là phương pháp tổng hợp và nghiên cứu tài liệu kết hợp với phương pháp thống kê, phương pháp điều tra được sử dụng trong việc chọn địa điểm nghiên cứu, chọn mẫu điều tra, lựa chọn tiêu chí phân tích.

3. Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình DLST tại VQG Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông

3.1. Thực trạng phát triển mô hình DLST tại VQG Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông

Vườn Quốc Gia Tà Đùng nằm trên địa phận hành chính thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Được kiến tạo bởi địa chất vô cùng độc đáo với nhiều đồi núi, Tà Đùng được đánh giá là khu vực có hệ đa dạng sinh học cao, hệ động thực vật phong phú, bao gồm: Đồi, núi, hồ, thác, rừng rậm nguyên sinh,… đa số đều tập trung tại một điểm. Người dân nơi đây ngoài người dân tộc Kinh còn có đồng bào dân tộc ít người, chủ yếu là người Mạ, chiếm 95%. Trước kia người Mạ sinh sống chủ yếu trong khu vực lòng hồ Tà Đùng, khi thủy điện Đồng Nai đi vào hoạt động, người dân nơi đây được chuyển sang khu tái định cư xã Đắk Plao cách đó khoảng 30 km, một số hộ sinh sống dọc theo quốc lộ 28. . Trong khoảng từ năm 2017 trở lại đây, một vài điểm du lịch đang nổi lên như: Tà Đùng Topview, bến du thuyền Tà Đùng, núi Tà Đùng… đã giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập.

Hiện tại Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch nói chung, và các cơ chế chính sách dành riêng cho việc phát triển các loại hình du lịch liên quan đến DLST. Công tác quy hoạch khu du lịch hiện nay được triển khai trên phân khu dịch vụ - hành chính có diện tích 4.706,6 hecta. Theo quy hoạch sử dụng đất của Khu du lịch sinh thái - văn hóa được phê duyệt trong phân khu này có tổng diện tích là 225,32 hecta, trong đó điểm du lịch là 208,32 hecta và đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật là 17 hecta. Các hạng mục được quy hoạch sử dụng đất trong điểm du lịch gồm có 5 hạng mục: Vui chơi giải trí hồ - đảo (TK 1802, 1803, 1807, 1810, 1811), vui chơi giải trí cụm thác dưới tán rừng (TK 1803), du lịch thể thao - mạo hiểm (TK 1811, 1812, 1814) và du lịch sinh thái lưu trú nghỉ dưỡng trong rừng (TK 1807) và du lịch tín ngưỡng chùa-thiền viện (TK 1802). (Hình 1)

Hiện có khoảng 7-8 điểm du lịch tập trung xung quanh hồ Tà Đùng. Dự án theo nguồn vốn xã hội hóa theo đúng tiến độ quy hoạch: Dự án Bến thuyền trong hạng mục vui chơi giải trí hồ - đảo đầu tư tại khoảnh 2 tiểu khu 1810 thuộc Công ty Du lịch Nguyễn Phúc và Dự án Điểm đón tiếp-bến thuyền trong hạng mục vui chơi giải trí cụm thác dưới tán rừng tại khoảnh 2 tiểu khu 1802 thuộc Công ty Du lịch Hùng Long đã được đưa vào sử dụng. Trong năm 2017, từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, Sở Nông nghiệp và - Phát triển nông thôn tỉnh  đã trích hơn 3 tỷ đồng để xây dựng đường bê tông dài gần 1 km nối từ QL28 đến bãi đỗ xe gần bến thuyền. Bên cạnh đó, một vài homestay, nhà nghỉ, vườn hoa thu hút nhiều khách du lịch được kể đến như: Topview Homestay Tà Đùng, nhà nghỉ Chú Đông, Gia Huân Homestay,… Tuy nhiên, một vài các dự án và hạng mục liên quan đến DLST vẫn chưa được quan tâm và thực hiện đúng tiến độ.

Theo khảo sát của nhóm tác giả, lượng khách du lịch đến khu vực VQG ngày càng nhiều (trước khi bùng phát dịch bệnh covid-19), chủ yếu là ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần. Khách du lịch chủ yếu đến đây để trekking, cắm trại và tham quan cảnh hồ. Riêng đối với mô hình DLST vẫn chưa khai thác một cách hiệu quả để có thể nhận được nguồn lợi từ mô hình này. Việc kiểm soát lượt khách đến với khu du lịch VQG Tà Đùng vẫn chưa được thực hiện. Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 200 du khách tại khu vực TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu sự mong đợi của du khách đối với mô hình DLST khi được tổ chức tại VQG Tà Đùng. Kết quả khảo sát cho thấy đa số du khách rất hứng thú với loại hình du lịch khám phá (91,0%). Riêng đối với mô hình DLST nhận được sự mong đợi trên mức trung bình (67,7%). Có thể lý giải, vì là một mô hình mới lạ và chỉ phù hợp với đội tuổi nhất định nên khảo sát này đã phản ánh được con số thực tế trong nhu cầu du khách (độ tuổi 18 đến 25 - độ tuổi luôn có xu hướng thích du lịch khám phá, trải nghiệm mạo hiểm). Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy rằng du khách vẫn chưa thực sự biết đến du lịch tại VQG Tà Đùng. (Hình 2)

Để có thể xây dựng mô hình DLST tại VQG Tà Đùng thì công tác về quản lý tài nguyên và giáo dục về mô trường cần phải được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại nơi đây được đánh giá khá cao. Tuy nhiên việc giáo dục môi trường dành cho các đối tượng: Cán bộ quản lý mô trường; doanh nghiệp; hướng dẫn viên; cộng đồng cư dân địa phương và du khách mặc dù đã được quan tâm hơn vẫn chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục. Việc giáo dục cho du khách vẫn chủ yếu là các ấn phẩm, bảng biểu chỉ dẫn và các hình thức khác.

3.2. Một số giải pháp xây dựng mô hình du lịch cải thiện kỹ năng sinh tồn tại VQG Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông

3.2.1. Tạo cơ chế, chính sách phát triển mô hình DLST tại địa phương

Bên cạnh các thế mạnh và tiềm năng du lịch, song VQG Tà Đùng hiện vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần cải thiện để có thể phát triển du lịch. Theo nhóm tác giả, để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động DLST Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách sau:

 + Quy hoạch tổng thể, chỉ rõ phân vùng cho DLST, xây dựng bản đồ những nơi tiến hành hoạt động DLST. Tránh việc quy hoạch thiếu rõ ràng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa.

 + Ban hành các chính sách thu hút vốn đầu tư, phát huy sức mạnh tổng hợp giữa các thành phần kinh tế, khuyến khích các nhà kinh tế đầu tư phát triển vào các hoạt động kinh doanh du lịch tại điểm. Triển khai chính sách cho thuê môi trường rừng.Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch.

 + Hoàn thiện các chính sách quản lí kinh doanh du lịch. Xây dựng cơ chế khuyến khích người dân tham gia phát triển du lịch tại điểm, đồng thời chú trọng phát triển các loại hình du lịch gắn liền với cộng đồng nhằm tạo nguồn lợi cho địa phương.

+ Chú trọng các chính sách bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển du lịch. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, về việc bảo vệ tài nguyên rừng, di sản văn hóa, bảo tồn văn hóa truyền thống, thay đổi tư duy, cải thiện đời sống của người dân bản địa.

3.2.2. Thúc đẩy xúc tiến và quảng bá hình ảnh địa phương

Cần tập trung thu hút khách du lịch từ khắp nơi trong cả nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, chú trọng khách du lịch thường xuyên tham gia các loại hình tham quan, mạo hiểm, trekking, vui chơi giải trí…; Xây dựng trung tâm xúc tiến du lịch tại địa phương nhằm hỗ trợ, quảng bá hình ảnh địa phương đến với bạn bè quốc tếthông qua các kênh truyền thông đa phương tiện; Mở ra các chương trình du lịch thử nghiệm tại VQG, ghi lại quá trình làm chương trình để đăng tạp chí, làm thành tập gấp, cataloge, giấy gấp… để quảng cáo hình ảnh địa phương tại các trung tâm xúc tiến du lịch khác, tại các hội thảo, hội trợ, triển lãm du lịch hay tại chính các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn cả nước; Giới thiệu, nâng cao vai trò của mô hình đối với các bậc phụ huynh trong công tác đào tạo kĩ năng sống cho con trẻ tại các cơ sơ giáo dục nhằm đặc thù hóa mô hình tại VQG Tà Đùng.

3.2.3 Liên kết, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn

Hiện tại, là một mô hình mới lạ nên việc tìm kiếm nguồn nhân lực có chuyên môn hoạt động trong mô hình này rất quan trọng. Cần tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các tổ chức, doanh nghiệp, trung tâm, tổ chức giáo dục đang công tác đào tạo và huấn luyện kĩ năng sống như: Chữ thập đỏ, phòng cháy chữa cháy, trung tâm kĩ năng tự vệ, các trung tâm về sinh vật học… Mở rộng liên kết các doanh nghiệp quốc tế, mời chuyên gia chuyên về kĩ năng sinh tồn để đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương. Liên kết cùng quân đội cùng hợp tác tổ chức các chương trình về kĩ năng khoảng từ 2-3 ngày (gần giống học kì quân đội) tại một số địa điểm được cho phép tại Vườn Quốc Gia.

3.2.4. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất

Cơ quan các cấp, ban ngành cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở vật chất địa phương để phát triển mô hình du lịch đồng thời đảm bảo được an toàn cho du khách khi tham gia du lịch, bằng những biện pháp cụ thể như: mạng lưới phương tiện giao thông vận tải (đường xá, biển báo, đèn chiếu sáng,…); Phân bố đều các cơ sở ý tế cũng như trang thiết bị chữa bệnh đầy đủ nhằm đáp ứng kịp thời những trường hợp khẩn cấp cho du khách và người dân; nâng cấp các cơ sở phục vụ ăn uống, lưu trú, cửa hàng buôn bán chuyên nghiệp và đạt chuẩn nhằm tạo niềm tin cho du khách khi lựa chọn; cung cấp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu (nước, điện, internet,…) trong thời gian nghỉ ngơi và giải trí của họ tại khách du lịch tại Tà Đùng.

3.2.5. Đảm bảo công tác bảo vệ an ninh, an toàn cho du khách

Với mục tiêu tạo môi trường an toàn cho du khách khi tham gia du lịch, có thể phân loại như sau: Đối với những dịch vụ kinh doanh lưu trú, ăn uống cần tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp phòng chống dịch  như kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn…, vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách khi sử dụng dịch vụ, cũng như tránh lây lan dịch trong cộng đồng; Tăng cường quản lý lưu trú, xuất nhập cảnh, an ninh trật tự trên tất cả địa bàn, nhất là những khu vực trọng điểm du lịch nhằm loại bỏ các tệ nạn (chèo kéo, trộm cướp, lừa đảo…) để đáp ứng hỗ trợ kịp thời cho khách du lịch, đồng thời phân bố các lực lượng an ninh chuyên trách giúp phục vụ các công tác bảo vệ trật tự an ninh vững mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch.

3.2.6. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Việc khai thác tiềm năng du lịch tại Tà Đùng t cần đi kèm công tác bảo vệ môi trường và quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên.. Để đáp ứng được điều này cần đưa công nghệ kỹ thuật để hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên, môi trường của địa phương được tốt hơn. Ngoài ra, có thể nâng cao nhận thức người dân cũng như khách tham quan du lịch về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, khuyến khích du khách tham gia bằng những hoạt động bảo vệ môi trường (ươm mầm hạt giống, trồng cây xanh, thu gom rác, …) trong quá trình tham gia du lịch tại điểm, cũng như có những hình thức xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

4. Kết luận

Việc định hướng để xây dựng một mô hình du lịch cải thiện kĩ năng sinh tồn sẽ đóng vai trò tích cực tại địa phương trước tiềm lực đặc thù mà VQG Tà Đùng sẵn có. Khai thác mô hình DLST đúng mức sẽ giúp địa phương có lợi hơn trong việc sử dụng đúng chức năng các nguồn lợi mà không bị hoang phí, đồng thời việc mô hình gắn kết với cộng đồng sẽ tạo nguồn lợi lớn cho địa phương. Để làm được điều này, bên cạnh các giải pháp cần phải có sự đồng lòng, quyết tâm từ việc hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực, quảng bá sản phẩm và hình ảnh địa phương. Trong quá trình tổ chức cần phải được tính toán, nghiên cứu và phối hợp ăn ý giữa các bên tham gia nhằm hướng tới mục tiêu chung là phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông thành ngành kinh tế động lực (Quyết định số 1151/QD-UBND tỉnh Đắk Nông, 2014).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quyết định số 185/QĐ-TTg (2018), “Vườn Quốc gia Tà Đùng được chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn Quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông”.
  2. Quyết định số 1151/QĐ-UBND (2014), “Phê duyệt Khu du lịch sinh thái - văn hóa Tà Đùng”.
  3. Charles Darwin (1859), “The origin of species by means of natura selection, or the reservation of favoured rases in the struggle for life”, London: John murray, arbemarle street.
  4. Roodbari, Sahdipoor, và Ghale (2013), “The Study of the Effect of Life Skill Training On Social Development, Emotional And Social Compatibility Among First - Grade Female High School In Neka”, Indian Journal Of Fundamental And Applied Life Sciences, Vol. 3(3), 382-390, http://www.cibtech.org/jls.htm.
  5. Ramesht, M., & Farshad, C. (2006), “Study of life skills training in prevention of drug abuse in students”. Lecture, The 3rd Seminar of Students Mental Health. Iran University Of Science And Technology, Persian. 6. Vranda, M., & Rao, M. (2011), “Life Skills Education for Young Adolescents and Indian Experience”, Journal Of The Indian Academy Of Applied Psychology, 37(Special Issue), 9-15, Retrieved from.
  6. Tuttle, J., Campbell-Heider, N., & David, T. (2006), “Positive Adolescent Life Skills Training for High-Risk Teens: Results of a Group Intervention Study”, Journal Of Pediatric Health Care, 20(3), 184-191.
  7. International Union for Conservation of Nature - IUCN (2014), “A primer on governance for protected and conserved areas”, IUCN, Sydney.
  8. Cao Thị Vân Anh, Nguyễn Việt Anh (2019), “Phát triển mô hình khởi nghiệp du lịch trải nghiệm khả năng sinh tồn tạo tác động xã hội ở Hải Phòng”, Tạp chí Khoa học, số 34, xem https://vjol.info.vn/index.php/dhhp2/article/view/44947.
  9. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (2016), “Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” - Ban Chỉ đạo Dự án EU-ESRT tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động, Hà Nội. Xem https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/21715.
  10. Tổng Cục Du Lịch - VNAT (2020), “Hội thảo xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại Việt Nam”, Hà Nội.Xem 18/12/2020, https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/printer/35129.
  1. Tổng cục Du lịch - VNA (2016), “Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội”, Xem 03/02/2016, https://vietnamtourism.gov.vn/ esrt/default.aspx-portalid=1&tabid=344&itemid=894.htm.
  2. Tổng cục Du lịch - VNAT (2021), “Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO): Du lịch nội địa và gần nhà là xu hướng nổi bật trong năm 2021”. Xem 13/02/2021, https://vietnamtourism.gov.vn/ index.php/items/35616.đ

Solutions for the development of community-based survival tourism in Ta Dung Nation Park, Dak Nong Province

Vu Tuan Duc 1

Do Thi Anh Thu 1

Tran Dinh Nhi Long 1

Nguyen Van Nhut Tri 1

1 Student, Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

Ta Dung National Park in Dak Nong Province has great potential for tourism development. However, the investment and development of the survival tourism activities as well as other tourism products in this national park are quite low. By reviewing related documents and using statistical and survey methods, this study proposes some solutions to develop community-based survival tourism activities which improve survival skills of tourists. These solutions are based on the strengths of Ta Dung National Park.

Keywords: survival skills, survival skill training, improving life skills, survival tourism, survive.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]