Doanh nghiệp đón cơ hội lớn từ 5G

Các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ thông tin trong nước có nhiều cơ hội khai thác tiềm năng của thị trường IoT (Internet vạn vật) khi 5G được triển khai vào năm 2020.

Các nhà mạng đã sẵn sàng

Tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm ngoái, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho biết trong năm nay bộ sẽ cấp phép thử nghiệm 5G tại các thành phố lớn, trước tiên là TPHCM và Hà Nội. “Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu sử dụng 5G, thì Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai”, ông nói.

Hiện các nhà mạng đều cho biết đã sẵn sàng thử nghiệm 5G vào năm 2019 và chỉ còn đợi giấy phép từ Bộ TT&TT. Trong đó, VNPT đã hợp tác với tập đoàn Nokia (Phần Lan) để thiết lập phòng nghiên cứu, phát triển mạng 5G và IoT vào tháng 10-2018. Dự án này dự kiến được thực hiện trong vòng ba năm với tổng giá trị khoảng 15 triệu đô la Mỹ.

Còn Viettel đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thành việc chế tạo thử trạm phát sóng 5G phiên bản 1, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và triển khai thương mại vào năm 2021.

Nhận định về lộ trình thử nghiệm 5G của Viettel, tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2018, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, cho rằng hoàn toàn khả thi. Về mặt công nghệ và kỹ thuật, lộ trình này phù hợp vì khi triển khai thử nghiệm thành công thì việc nhân rộng mạng lưới sẽ rất nhanh. Trong khi đó, Viettel đã có kinh nghiệm triển khai, nhân rộng mạng lưới 4G trước đây.

Các doanh nghiệp khác trong nước hiện cũng đang tích cực nghiên cứu, phát triển, hướng tới việc chủ động sản xuất các thiết bị viễn thông/thiết bị thông minh, bao gồm thiết bị phát sóng 4G/5G, không hoàn toàn bị lệ thuộc vào nhà cung cấp thiết bị viễn thông nước ngoài.

Theo Viettel, một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đang dự kiến sẽ triển khai 5G vào năm 2019 hoặc 2020. Nếu thử nghiệm trong năm 2019, Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu về triển khai 5G.

Nhắm tới IoT và smart city

Nói về lợi ích của 5G, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia, cho biết công nghệ này mang lại khả năng cung cấp các dịch vụ băng thông rộng di động tốc độ cao, độ trễ thấp, bao gồm cả việc truyền trực tiếp tín hiệu video 4K đến các thiết bị di động; cho phép các nhà cung cấp giải pháp triển khai các dịch vụ tiên tiến dành cho người dân, từ dịch vụ y tế đến hệ thống giao thông thông minh, bao gồm ô tô tự lái. Doanh thu 5G trên toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 582 tỉ đô la Mỹ vào năm 2026.

Đặc biệt, nếu Việt Nam muốn triển khai đô thị thông minh (smart city), phát triển IoT thì triển khai 5G là nhiệm vụ không thể bỏ lỡ để đáp ứng nhu cầu kết nối hàng triệu thiết bị với nhau. Có thể nói, mô hình kinh doanh 5G hoàn toàn khác với 4G; các nhà mạng triển khai 5G không còn nhằm vào mục tiêu tăng số lượng thuê bao, doanh thu về thoại như khi kinh doanh 3G/4G trước đây nữa.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Bắc Đẩu, nhận định công nghệ 5G sẽ bùng nổ trong thời gian tới cùng với sự phát triển của IoT, hay nói cách khác, IoT sẽ quyết định sự sống còn của 5G.

“IoT cần một nền tảng di động mới để kết nối. Trong vòng hai năm tới, công nghệ 5G sẽ bùng nổ, tốc độ băng thông nhờ đó sẽ được tối ưu hóa. Bản thân dịch vụ đám mây trong vòng 1-2 năm tới cũng có sự thay đổi về truyền dẫn, cấu trúc, chia sẻ băng thông”, ông Thắng nói.

Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho rằng việc thử nghiệm 5G và tiến đến xây dựng mạng 5G thương mại sẽ tạo ra một hệ sinh thái cho các dịch vụ phát triển. Bên cạnh đó, việc thử nghiệm 5G sẽ giúp rút ra các bài học kinh nghiệm cho các nhà mạng, đồng thời, tạo ra dữ liệu cơ sở để Bộ TT&TT nghiên cứu, từ đó có lộ trình cấp phép hợp lý cho việc triển khai 5G tại Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng ngành viễn thông phải nhắm vào các thị trường mới như IoT, smart city, kết nối các thiết bị điện tử và ô tô... đồng thời cần phải có bước chuẩn bị về chiến lược kinh doanh thì việc triển khai thương mại 5G mới thành công.

5G mang lại doanh thu hơn 3 tỉ đô la Mỹ

Theo báo cáo thương mại về tiềm năng 5G của Ericsson, các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam có thể mang về doanh thu 3,17 tỉ đô la Mỹ khi triển khai và sử dụng công nghệ 5G. Sắp tới, 5G sẽ được ứng dụng vào quá trình số hóa ngành công nghiệp, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các ngành công nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ 5G chính là những ngành có thể tận dụng tốc độ cao, độ trễ thấp, độ tin cậy cực cao của 5G nhằm tăng hiệu quả, cải thiện về chất lượng và sự an toàn, tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo. Ericsson cũng cho rằng Việt Nam có thể triển khai 5G vào năm 2021.