Doanh nghiệp được tự do xuất khẩu gạo hữu cơ

Thông tin trên được Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị phổ biến Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo diễn ra vào ngày 01/11 tại TP.Hồ Chí Minh.

Theo đó, các thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tức là để xuất khẩu các loại gạo nói trên, doanh nhân không cần phải có giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông như các loại gạo thông thường khác.

Theo các doanh nghiệp, đây là một quy định rất mới và phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh gạo của Việt Nam thời gian qua. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trung An (Cần Thơ), cho biết thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất các loại gạo cao cấp, có giá trị gia tăng cao như gạo hữu cơ, gạo đồ… nhưng xuất khẩu khó khăn vì quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP.

các thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo Các thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Đây là loại gạo mới, doanh nghiệp không thể đầu tư lớn về kho bãi, nhà máy xay xát hay có hàng dự trữ trong kho, trong khi nhu cầu thế giới rất lớn, giá bán cao hơn nhiều so với gạo thường. Vì vậy, việc nghị định mới ra đời đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo bổ sung vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu như các mặt hàng thực phẩm thông thường khác, ông Bình chia sẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin, với những thay đổi trong Nghị định 107 mới có hiệu lực, cơ bản các điều kiện kinh doanh gạo làm khó doanh nghiệp như trước đây đã được gỡ bỏ. Nghị định số 109/2010/NĐ- CP, đã phát huy tác dụng điều chỉnh tích cực, đóng góp quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, nâng cao vị thế, uy tín của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Nhấn mạnh thêm về những điểm mới tại Nghị định 107, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Nghị định 107 không bắt buộc thương nhân kinh doanh sở hữu kho chứa thóc, gạo, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo mà có thể thuê các cơ sở này đế đáp ứng điều kiện kinh doanh; Bãi bỏ quy định thủ tục bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam, bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký; Điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ xuống 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 06 tháng trước đó, thay vì 10% như hiện nay…

Hồng Hà