Doanh nghiệp gia tăng đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu

Nhân lực, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số… là những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam tập trung đẩy mạnh đầu tư ngay từ đầu năm 2022, với kỳ vọng sẽ tận dụng được cơ hội mở ra từ nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi trước đại dịch Covid-19.

Hướng tới tầm nhìn dài hạn

Từ đầu năm 2022 tới nay, xuất khẩu của Việt Nam đã đón nhận nhiều tin vui, đơn hàng liên tục đổ về các doanh nghiệp, giúp công suất được hoạt động trở lại sau một thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh trong quý 3, 4/2021. Do đó, các doanh nghiệp vừa dồn sức sản xuất trở lại, vừa đẩy mạnh các hoạt động đầu tư để nâng cao chất lượng, tăng năng suất và mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu.

Công ty Cổ phần Thịnh Long Intra chuyên sản xuất khẩu trang cao cấp, cung cấp cho các CDC, y tế bệnh viện… Tuy nhiên, sang năm 2022, công ty này lại quyết định hướng tới tầm nhìn dài hạn hơn là phân khúc sản phẩm cao cấp dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và xuất khẩu. Tổng giám đốc Công ty, Bùi Bá Thiện cho biết, Công ty sẽ xây dựng nhà máy mới, quy mô rộng lớn, đạt chuẩn mọi tiêu chí về sản xuất trang thiết bị vật tư y tế tại Lương Sơn, Hòa Bình.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Thăng Long Hà Nội (doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ logistics) cho biết, năm 2022, công ty đang thực hiện tính toán lại chuỗi sản xuất nhằm đảm bảo ổn định lượng hàng hóa trước những lo ngại dịch bệnh còn tồn tại.

Hiện Công ty đang làm thủ tục vay vốn để đầu tư thêm gần 10 tỷ đồng trang thiết bị máy móc, nhất là phương tiện vận tải để vận chuyển hàng hóa, tự động hóa sản xuất một cách tốt hơn. Hơn nữa, theo vị này, việc đầu tư để nâng cao năng lực tự chủ về vận tải hàng hóa, về lâu dài, sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí do giá xăng dầu, nguyên liệu, vận tải vẫn còn xu hướng tăng lên.

Đầu tư vào chất lượng

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Từ quan điểm "Zero Covid-19" sang "thích ứng an toàn" với dịch, kinh tế nước ta được kỳ vọng nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài.

Đại diện Nestlé Việt Nam cho biết, dù khó khăn bởi đại dịch Covid-19 nhưng năm 2021, Nestlé vẫn tăng vốn đầu tư vào Đồng Nai thêm 132 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất cà phê hiện đại nhất khu vực, cung ứng sản phẩm cho nhiều nước trên thế giới. Sang năm 2022, công ty đang triển khai nhanh dự án để sớm đưa nhà máy vào hoạt động, tăng lượng hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao đầu tư về máy móc, thiết bị phải luôn đi kèm với đảm bảo, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư vào nâng cao đội ngũ nhân lực, thay đổi phương thức quản trị, tích cực chuyển đổi số.

Chẳng hạn, tại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, đã triển khai nhiều giải pháp quản trị công nghệ nhằm tối ưu dây chuyền sản xuất Alumin, giúp giảm tiêu hao các vật liệu chính. Ngoài ra, công ty còn chủ động triển khai các phương án chuẩn bị kho bãi, cân đối tối ưu trong công tác lưu kho..., xây dựng các dây chuyền tự động hóa để bảo vệ môi trường… Vì thế, năm 2022, Công ty đặt mục tiêu sản xuất 50.000 tấn Alumin, doanh thu 2.677 tỷ đồng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, với nhiều doanh nghiệp, dù thị trường chủ lực là nội địa nhưng chất lượng sản phẩm vẫn đủ tiêu chuẩn để có thể tiến tới xuất khẩu ngay khi cần. Đơn cử, trong bối cảnh tình hình tiêu thụ phân bón trong nước ảm đạm, Công ty Cổ phần Phân bón Cà Mau đã chủ động lên kế hoạch xuất khẩu để điều tiết hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Theo kế hoạch, Phân bón Cà Mau sẽ xuất khẩu khoảng hơn 100.000 tấn phân bón Ure tới sang một số thị trường tiềm năng của châu Á, châu Mỹ. Việc này sẽ giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu Phân bón Cà Mau trong mắt bạn hàng nước ngoài, đồng thời duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định, củng cố mục tiêu chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.

Tuy nhiên, việc đầu tư để nâng cao năng lực xuất khẩu không phải là vấn đề dễ thực hiện với đại đa số doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực tài chính cho đến kinh nghiệm hoạt động còn nhiều hạn chế.

Về vấn đề này, đại diện Công ty Thăng Long Hà Nội cho hay, các đối tác trên thế giới ngày càng “khó tính” hơn, không chỉ yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ mà hàng hóa của Việt Nam còn phải vượt qua những hàng rào phi thuế quan đang được nhiều thị trường đặt ra. Các doanh nghiệp ý thức được vấn đề này, nhưng nguồn lực nào để thay đổi lại rất khó.

Vì thế, các doanh nghiệp vẫn luôn đặt nhiều kỳ vọng vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội mới thông qua, với nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng giúp doanh nghiệp thêm nguồn lực để vươn lên. Theo các doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực từ bản thân thì sự quan tâm kịp thời và ngày càng thực chất từ Chính phủ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ tạo niềm tin và đà phục hồi, tăng trưởng cho doanh nghiệp.