Đây là kết quả khảo sát trong "Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018" vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố.

Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên tỷ lệ doanh nghiệp có thực hiện các thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương là lớn nhất trong các Bộ, ngành. Cụ thể, trong số 3.061 doanh nghiệp được khảo sát, có 483 doanh nghiệp cho biết đã từng thực hiện các thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, chiếm 15,8%.

Bản Báo cáo không cho biết số liệu của năm 2017 để so sánh nhưng việc chỉ có 15,8% doanh nghiệp được hỏi phải thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, bao gồm cả thủ tục cấp phép, công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng tại cửa khẩu, đã cho thấy nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương trong việc cắt giảm các thủ tục do Bộ quản lý.

Doanh nghiệp hài lòng hơn đối với các thủ tục xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương quản lý
Hiện nay, Bộ Công Thương chiếm vị trí số 1 về tỷ lệ các doanh nghiệp đưa ra đánh giá "dễ" và "rất dễ" đối với các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành

 

Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá các thủ tục của Bộ Công Thương là "dễ" và "rất dễ" luôn nằm ở mức cao nhất. Cụ thể, 27% đánh giá thủ tục cấp phép quản lý chất lượng hàng hóa của Bộ Công Thương là "dễ" và "rất dễ", đứng đầu trong các Bộ, ngành.

Về các thủ tục như công bố hợp quy, kiểm tra chất lượng, cấp phép an toàn thực phẩm và kiểm tra an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng chiếm vị trí cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra đánh giá "dễ" và "rất dễ".

Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng cho thấy Bộ Công Thương là Bộ có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn thấp nhất khi làm các thủ tục có liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa, bao gồm thủ tục cấp phép, công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng là Bộ có tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia (NSW) cao nhất. Cụ thể, trong số 1.210 doanh nghiệp đã từng thực hiện thủ tục trên NSW, có tới 66% (798 doanh nghiệp) thực hiện thủ tục do Bộ Công Thương quản lý, vượt rất xa so với Bộ đứng thứ 2 là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (459 doanh nghiệp, 38%). Kết quả này cho thấy những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc kết nối các thủ tục hành chính của mình với NSW theo chủ trương chung của Chính phủ.

Đáng chú ý, có tới 41% số doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các thủ tục của Bộ Công Thương trên NSW là "dễ" và "rất dễ", cao nhất trong các Bộ, ngành. Kết quả khảo sát nêu tại Báo cáo đã cho thấy hiệu quả và nỗ lực của Chính phủ nói chung và ngành Công Thương nói riêng trong việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cải cách hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành được nêu trong các Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Những giải pháp đúng hướng của Chính phủ trong các Nghị quyết này và chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Bộ Công Thương triển khai tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Bên cạnh các mặt tích cực, Báo cáo khảo sát cũng cho thấy vẫn còn tồn tại hiện tượng chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Mặc dù chỉ có 108 doanh nghiệp trên tổng số 3.061 doanh nghiệp được hỏi (3,5%) cho biết phải trả chi phí ngoài cho các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, giảm đáng kể so với kết quả khảo sát chung về chi phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục hải quan nêu tại Báo cáo năm 2015 nhưng đây vẫn là hiện tượng không thể chấp nhận và Bộ Công Thương cần phải đặc biệt lưu ý trong thời gian tới.

Rất tiếc là Báo cáo khảo sát của VCCI không cho biết doanh nghiệp phải trả chi phí này cho cơ quan nào, cho các đơn vị nào thuộc Bộ Công Thương hay cho các cơ quan thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (như hải quan, các tổ chức giám định, đánh giá sự phù hợp v.v.).

Tuy nhiên, việc có tới 40% đại lý làm thủ tục hải quan cho biết phải trả chi phí ngoài quy định sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Công Thương xem xét, làm rõ trong thời gian tới bởi các đơn vị của Bộ Công Thương không làm việc với các đại lý làm thủ tục hải quan.

Để đáp ứng hơn nữa yêu cầu ngày càng cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính nói chung và cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành nói riêng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tích cực, chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý về quản lý kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; cắt giảm danh mục, công bố công khai và minh bạch mã HS của các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng quản lý, kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương;.

Đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triệt để thực hiện xã hội hóa hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành Công Thương để đáp ứng công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và tăng cường áp dụng biện pháp hậu kiểm và nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Công Thương xác định cải cách thủ tục hành chính và cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành là một quá trình liên tục, không có điểm dừng. Những góp ý, phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các kết quả khảo sát độc lập, vì vậy, là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc cải cách hành chính của Bộ Công Thương.

Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương đánh giá cao bản "Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018" do VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thực hiện và mong sẽ được hợp tác trong quá trình xây dựng các Báo cáo tiếp theo trên tinh thần khách quan, khoa học và cầu thị.