Doanh nghiệp khai khoáng Việt Nam còn đầu tư quá ít cho đổi mới công nghệ

Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp khai khoáng Việt Nam hiện rất thấp. Có tới 47% số doanh nghiệp dành ít hơn 0,5% doanh thu cho đổi mới công nghệ, 31% doanh nghiệp dành từ 0,5 - 1,0%

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Ngành mỏ Việt Nam ứng dụng công nghệ phi truyền thống hướng tới nâng cao năng suất và phát triển bền vững” vừa được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghệ khai thác và khôi phục tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam.

Hiện nay, công nghiệp khai khoáng của Việt Nam tập trung chủ yếu là khai thác than ở Quảng Ninh, khai thác sắt ở Trại Cau (Thái Nguyên), khai thác đồng ở Sinh Quyền (Lào Cai) khai thác vàng ở Bồng Miêu (Quảng Nam), khai thác titan ở Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận... Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện rất thấp.

Đánh giá về đổi mới công nghệ trong ngành khai khoáng, TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: Nhìn chung, công nghệ sử dụng trong khai khoáng còn lạc hậu, quy mô chưa lớn, quy hoạch còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Ông nhấn mạnh: “Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nhìn chung còn thấp, mức đầu tư trên doanh thu cho các hoạt động đổi mới công nghệ còn chưa cao, tốc độ đổi mới còn chậm, chưa đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển công nghệ đến năm 2020 và chưa tạo ra được nhiều sản phẩm công nghệ cao có khả năng xuất khẩu”. So sánh về đổi mới công nghệ tại một số ngành khác cho thấy, ngành cơ khí chế tạo có 12,5% số doanh nghiệp hiện đang sử dụng công nghệ tiên tiến, ngành điện tử là 28%, con số này của ngành da giày là 25%.

Nguyên nhân của thực trạng trên được xác định là do các doanh nghiệp thiếu vốn và không huy động được vốn, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao và môi trường chính sách chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Số lượng doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng chính sách rất ít.

Thừa nhận những rào cản của doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, song nhiều đại biểu cho rằng có những hạn chế xuất phát từ chủ quan của doanh nghiệp. Đơn cử, với việc thiếu vốn, theo TS. Nguyễn Hữu Xuyên, nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn chỉ là cái cớ, bởi nếu doanh nghiệp có dự án tốt thì các ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay vốn, vấn đề là doanh nghiệp có thực sự muốn đổi mới hay không?

Tại hội thảo, nhiều diễn giả đã trình bày những phương thức, kỹ thuật nhằm tăng cường hiệu quả trong sản xuất khai khoáng, như: PGS.TS. Ngô Văn Quyết - Đại học Sao Đỏ, Hải Dương trình bày về việc Nâng cao hệ số an toàn độ bền mỏi và tuổi thọ cho các cơ phận của các thiết bị và máy cơ khí khai thác than theo quan điểm cơ học phá hủy; hay các biện pháp bố trí trạm dẫn động cho băng tải công suất lớn trong công nghiệp khai khoáng của Thạc sỹ Nguyễn Phúc Trường - Đại học Mỏ Địa chất, Hà Nội…