Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực thi cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Để thực hiện việc này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ - CP ngày 19/3/2010 - ND25CP.DOC  (sau đây gọi tắt là Nghị định 25) có hiệu lực từ 5/5/2010 quy định chuyển các DNNN chưa cổ phần hoá sang hoạt động theo mô hình công ty TNHHMTV 100% vốn điều lệ do Nhà nước nắm.

Ngoài những quy định về thời gian, điều kiện chuyển đổi, kế hoạch chuyển đổi, Nghị định này quy định một số điều khác mà tinh thần chung là không chồng chéo trong quản lý DNNN sau chuyển đổi, tạo động lực bước đầu trong hoạt động của doanh nghiệp chuyển đổi. Cụ thể là:

1. Nghị định 25 đã khắc phục được hạn chế của Nghị định số 95/2006/NĐ-CP. Trước đây Nghị định số 95 đã quy định chuyển các DNNN sang công ty TNHH một thành viên, nhưng không quy định về tổ chức quản lý với doanh nghiệp sau chuyển đổi, không có chế tài thực hiện, do đó, việc thực hiện đạt kết quả thấp. Nghị định 25 đã quy định mỗi công ty TNHH một thành viên chỉ do một tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu, cụ thể:

+ Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc uỷ quyền cho Bộ trưởng quyết định lộ trình và chuyển đổi doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

+ Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lộ trình và chuyển đổi doanh nghiệp do mình quyết định thành lập và các công ty thành viên tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền.

+ Hội đồng quản trị công ty mẹ, tổng công ty nhà nước quyết định lộ trình và chuyển đổi đối với: Các công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước; Đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc tổng công ty nhà nước, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước.

Nghị định 25 quy định đối tượng thực hiện là DNNN chưa thực hiện cổ phần hoá (từ công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế đến các nông, lâm trường...), nhưng không quy định mức vốn điều lệ cho công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, giữ nguyên hiện trạng về vốn, tài sản, các khoản nợ, lao động... còn là DNNN chuyển sang.

2. Nghị định 25 quy định hai mô hình tổ chức, quản lý cho các DNNN chuyển sang công ty TNHH một thành viên là mô hình hội đồng thành viên và mô hình chủ tịch công ty. Điểm chung của hai mô hình này là chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty không kiêm nghiệm chức vụ giám đốc (trừ một số trường hợp đặc biệt); Tổng giám đốc được bổ nhiệm hoặc thuê.

Điểm đáng chú ý trong cơ chế quản lý đó là, bộ máy lãnh đạo công ty có nhiệm kỳ 5 năm, chủ tịch hưởng 70% số lương tạm tính hàng tháng, 30% còn lại được quyết toán vào cuối năm. Trong việc xếp loại doanh nghiệp và đánh giá quản lý điều hành, nếu không đáp ứng theo quy định về quy chế quản lý tài chính và quy chế giám sát thì không được quyết toán 30% số lương còn lại và 30% số tiền thưởng của nhiệm kỳ.

3. Nghị định 25 có tác dụng tích cực nhất định với hoạt động của DNNN, điều đó được thể hiện ở những điều sau:

- Chủ sở hữu là nhà nước, chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn điều lệ tại công ty, xoá bỏ được việc chịu trách nhiệm vô hạn như trước đây.

- Chuyển sang mô hình công ty TNHHMTV là bước để doanh nghiệp này không còn dựa dẫm vào sự bao cấp và các ưu thế khác của nhà nước tạo cho như khi là DNNN, đồng thời khách hàng, các đơn vị cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp buộc phải cân nhắc khả năng, điều kiện, năng lực... trong xác lập quan hệ, có nghĩa là thực hiện thêm một bước trong tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh.

- Việc chủ sở hữu chịu trách nhiệm hữu hạn với số vốn đầu tư của mình sẽ tạo điều kiện để giải quyết tình trạng "chết không được chôn" với DN, điều này sẽ có tác dụng tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

- Việc chuyển đổi này đơn thuần chỉ là biện pháp hành chính, thay đổi mô hình hoạt động, nhiều chuyên gia cho rằng dù sao cũng là tốt cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng, việc thực hiện Nghị định 25 cũng đang xuất hiện những bất cập cần được giải quyết, đó là:

- Khó có khả năng thực hiện theo mục tiêu đặt ra là chuyển các DNNN chưa cổ phần hoá sang mô hình công ty TNHH một thành viên trong thời hạn trước 01/7/2010, bởi lẽ:

+ Số lượng DNNN phải chuyển đổi là con số rất lớn (hơn 1.500 DN) thuộc nhiều ngành nghề hoạt động khác nhau, điều kiện cụ thể khi chuyển đổi rất khác nhau, do đó, có bộ phận doanh nghiệp vì lý do nhất định khó thực hiện đúng được thời hạn này.

+ Đây là biện pháp hành chính, song lại không quy định chế tài xử phạt dành cho việc thực hiện chậm trễ công việc này, trong khi doanh nghiệp có rất nhiều lý do, trong đó có lý do bất khả kháng, ví dụ như quy định giám đốc phải thuê trong khi chủ tịch công ty không thuộc trường hợp được kiêm nhiệm... Trong khi thực hiện chuyển đổi sẽ dẫn tới hiệu lực của biện pháp này bị hạn chế.

+ Mô hình hoạt động mà các DNNN phải chuyển đổi chỉ có hai mô hình là hội đồng thành viên và chủ tịch công ty, trong khi DNNN chuyển đổi thì nhiều và đa dạng, nhu cầu chuyển đổi mô hình đa dạng hơn, tất yếu dẫn tới động lực thực hiện chuyển đổi mô hình sẽ hạn chế tác dụng, dẫn tới doanh nghiệp thờ ơ với thực hiện công việc này. Theo một chủ nhiệm câu lạc bộ DNNN hiện có 150 doanh nghiệp là hội viên sinh hoạt cho biết, chưa thấy các doanh nghiệp hội viên có ý kiến về việc này. Còn phó tổng giám đốc một công ty cổ phần nhựa do nhà nước nắm cổ phần chi phối thì cho biết, trong công ty của ông, còn có một số công ty con là doanh nghiệp 100% vốn  nhà nước, giám đốc các công ty này không thích cổ phần hoá, cũng chẳng thích chuyển đổi mô hình hoạt động... Đây là những minh chứng cho thấy việc chuyển đổi sẽ khó được thực hiện đúng hạn nếu không ban hành các chế tài, các biện pháp xử phạt kèm theo.

+ Nguyên nhân chậm chuyển đổi có thể là: Chuyển sang công ty TNHHMTV làm thay đổi (giảm) quyền lợi của các chức danh lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đang hưởng theo cách xếp hạng DNNN, hoặc chưa thấy được ưu điểm của công ty TNHHNNMTV?

4. Cần tiếp tục hoàn thiện các biện pháp tổ chức, quản lý, tạo điều kiện cho DNNN chuyển đổi hoạt động thuận lợi theo mô hình mới.

Nghị định 25 chỉ chuyển hình thức của DNNN sang mô hình công ty TNHHMTV, có sự thay đổi nhất định trong cơ chế quản lý đi theo, tuy nhiên, còn rất nhiều các vấn đề khác hiện nay chưa được quy định cụ thể như: thuê giám đốc, chế độ lương, thưởng, hay sau khi chuyển đổi sang mô hình hội đồng quản trị hay chủ tịch công ty thấy không thích hợp có được chuyển đổi tiếp không? Cách chuyển đổi thế nào, vấn đề xử lý nợ... Nói cách khác là cần giải quyết các vấn đề liên quan tiếp theo để DNNN sau chuyển đổi được thực sự hoạt động theo Luật Doanh nghiệp  hiện hành.

5. Các nội dung để  DNNN chuyển đổi được thực sự hoạt động theo Luật Doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, tuy nhiên, có hai việc nổi lên cần phải giải quyết ngay đó là:

Thứ nhất, cần loại bỏ các điều kiện tạo ra ưu thế riêng trong kinh doanh của DNNN hay nói cách khác đó là đưa hoạt động của doanh nghiệp chuyển đổi về môi trường kinh doanh chuẩn, cụ thể đó là:

(i) loại trừ các ưu thế về đất, tài sản tức là cần phải đánh giá lại tài sản, đất đai, vốn hoá tài sản theo cùng một mặt bằng;

(ii) Tiếp cận vốn bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần khác hay xoá bỏ lợi thế trong tiếp cận vốn của các DNNN;

(iii) DNNN chỉ phải nộp thuế thu nhập, chưa phải chịu sức ép về chia cổ tức. Đây là những vấn đề quan trọng để doanh nghiệp hoạt động trong môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn.

Thứ hai, minh bạch hoá tạo chuẩn mực trong đánh giá DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế - biện pháp quan trọng là bắt buộc các tập đoàn kinh tế các doanh nghiệp quy mô lớn phải đủ tiêu chuẩn đăng ký trên thị trường chứng khoán quốc tế. Biện pháp này là biện pháp gián tiếp sẽ giúp khắc phục sự không minh bạch trong quản lý doanh nghiệp, khắc phục sự không thống nhất trong đánh giá hoạt động, đồng thời là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới áp dụng biện pháp này để nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế nhà nước.

Thanh Hà

Trích dẫn văn bản liên quan:

Nghị định 25/2010/NĐ:

Điều 7. Đối tượng chuyển đổi

1. Công ty nhà nước độc lập.

2. Công ty nhà nước là công ty mẹ tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ trong tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong tổng công ty thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con (gọi chung là công ty mẹ).

3. Công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước.

4. Đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc tổng công ty nhà nước, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước.

5. Công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.

Điều 8. Điều kiện chuyển đổi

1. Các doanh nghiệp quy định tại Điều 7 Nghị định này được tổ chức lại, chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 7 Nghị định này thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công ty mẹ trong tổng công ty thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước và các đối tượng quy định tại khoản 3 và 4 Điều 7 Nghị định này không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, nắm giữ các bí quyết kinh doanh, công nghệ, thông tin của tổng công ty, tập đoàn mà tổng công ty, tập đoàn cần nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2005:

“ Điều 166. Chuyển đổi công ty nhà nước

1. Thực hiện theo lộ trình chuyển đổi hàng năm, nhưng chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật này.

Chính phủ quy định và hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi.

2. Trong thời hạn chuyển đổi, những quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 được tiếp tục áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước nếu Luật này không có quy định.”

Điều 63. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty…

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.”