Doanh nghiệp nhỏ và vừa á khẩu vì phải tăng vốn điều lệ gấp 30 lần mới được phép bán trái phiếu.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất khởi sắc, nhưng với quy định của Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, phải có vốn điều lệ tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên, gấp 30 lần so với Luật hiện hành mớ

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất khởi sắc, nhưng với quy định của Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, phải có vốn điều lệ tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên, gấp 30 lần so với Luật hiện hành mới được phép phát hành trái phiếu thì chỉ có doanh nghiệp lớn mới đủ sức tham gia.

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó có nhiều thay đổi so với Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán năm 2010. Nhưng có một thay đổi với tốc độ chóng mặt, khiến phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giật mình, bởi khả năng tham gia thị trường phát hành trái phiếu gần như là bất khả thi.

Cụ thể, để được phép phát hành trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ ba trăm (300) tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán, trong khi Luật chứng khoán 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán năm 2010 chỉ quy định 10 tỷ đồng, nghĩa là điều kiện của Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gấp 30 lần so với Luật hiện hành.

Với quy định này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như đã bị loại bỏ khỏi sân phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì? Theo tiêu chí được xác định tại Nghị định 39/2018-NĐ-CP thì doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghiệp, xây dựng có tổng nguồn vốn từ không quá 3 tỷ đồng đến không quá 100 tỷ đồng. Nhưng xin lưu ý, đây là tổng nguồn vốn, còn vốn điều lệ chỉ là một phần trong tổng nguồn vốn. Ngay cả tổng nguồn vốn của doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng ở mức cao nhất không quá 100 tỷ đồng, cũng chỉ bằng 1/3 của 300 tỷ đồng ở Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, thì làm sao các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác đủ sức tham gia phát hành trái phiếu?

Trước đến nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu trông chờ vào vốn ngân hàng. Mặc dù chiếm tỷ trọng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động, nhưng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có dư nợ tín dụng ở mức 22-25% nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Hiện vẫn có đến 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Do khó tiếp cận vốn ngân hàng nên nhiều doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa những năm qua khi cần huy động vốn đã tham gia phát hành trái phiếu. Một trái phiếu có chức năng giống một khoản vay giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp mà lại không không bị ràng buộc bởi điều kiện như khi vay ngân hàng, như tài sản thế chấp. Hơn thế nữa, phát hành trái phiếu, doanh nghiệp sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ thay vì việc giải ngân có lộ trình từng đợt; doanh nghiệp được chủ động sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng; doanh nghiệp sẽ chủ động nguồn vốn hơn trong khi các doanh nghiệp đi vay ngân hàng khi muốn giải ngân phải giải trình cụ thể, chờ đợi ngân hàng phê duyệt; họ cũng chỉ phải trả lãi theo kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm thay vì trả lãi hàng tháng khi vay ngân hàng.

Vì thế, trái phiếu là một kênh huy động vốn đầy triển vọng, đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay ngân hàng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 6,19% GDP, tăng so với quy mô của năm 2011 (3,31% GDP). Khối lượng phát hành bình quân giai đoạn 2011 - 2017 khoảng 49 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011.

Nhưng quan trọng hơn, dư địa của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta còn rất rộng; hiện mới đạt 6,19% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20%-50% GDP của các nước trong khu vực; và thấp hơn nhiều lần so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng trong nước, hiện tương đương với khoảng 130% GDP.

Tuy nhiên, với quy định của Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, phải có vốn điều lệ tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên, gấp 30 lần so với Luật hiện hành mới được phép phát hành trái phiếu thì chỉ có doanh nghiệp lớn mới đủ sức tham gia.

Trung Hà