Doanh nghiệp phân bón “được mùa” trong năm Covid

Việc được hưởng lợi cả về đầu vào lẫn đầu ra đã mang về khoản lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng cho các doanh nghiệp phân bón của Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, các nước đều tăng cường tích trữ lương thực, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và mở ra cơ hội gia tăng sản lượng tiêu thụ đối với mặt hàng phân bón. Thêm vào đó, giá dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục đã giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón giảm đáng kể chi phí sản xuất nhờ giá khí giảm.

Cụ thể, năm 2020, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 7,6 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2019. Trong khi giá vốn chỉ tăng nhẹ 3%, nên lợi nhuận gộp đạt được hơn 1.312 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2019.

Thêm vào đó, các khoản chi phí đều được kiểm soát tốt. Trong đó chi phí tài chính giảm tới 39%, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng 70%, đạt 711 tỷ đồng. Kết thúc năm 2020, DCM lãi ròng 665 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2019.

Ban lãnh đạo DCM cho biết, trong năm 2020, giá bán ure thương mại bình quân giảm khoảng 9,96%. Song sản lượng lại tăng gần 21% do công ty đẩy mạnh xuất khẩu với sản lượng xuất khẩu đạt trên 299 ngàn tấn. Trong đó, thị trường Campuchia tăng 32%, công ty cũng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Brazil... Doanh thu xuất khẩu ure năm 2020 của DCM đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2019. Ure là mặt hàng chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu doanh thu của DCM, với 6.025 tỷ đồng (chiếm 78% tổng doanh thu), tăng 8% so với năm 2019.

Tại Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM), lợi nhuận năm 2020 cũng ghi nhận tăng trưởng tới 85% so với năm 2019, đạt 683 tỷ đồng, nhờ kiểm soát tốt các chi phí.

Cụ thể, doanh thu năm 2020 của DPM chỉ tăng 4% so với năm 2019 nhưng giá vốn lại giảm nhẹ 1% nên lợi nhuận gộp tăng trưởng 30%, đạt 1.496 tỷ đồng.

Thêm vào đó, chi phí tài chính giảm 16%, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức tương đương, còn chi phí bán hàng tăng khoảng 100 tỷ giúp công ty gia tăng lợi nhuận đáng kể.

Tương tự, lãi ròng của Công ty CP Phân bón Bình Điền (BFC) cũng tăng trưởng tới 69% so với năm 2019, đạt gần 167 tỷ đồng, dù doanh thu có sự sụt giảm gần 12%. Nguyên nhân là nhờ giá vốn giảm mạnh hơn với mức giảm 14%, giúp lợi nhuận gộp tăng gần 3%, đạt 756 tỷ đồng.

BFC cũng kiểm soát tốt các khoản chi phí, trong đó cả chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều giảm lần lượt 27% và 11%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2020, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt 1,16 triệu tấn, tương ứng kim ngạch 340,5 triệu USD, tăng trưởng 40% về lượng và 27% về giá trị so với năm 2019.