Doanh nghiệp rộn ràng thực hiện đơn hàng ngay sau kỳ nghỉ Tết

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, đa số các doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt tay ngay vào sản xuất kinh doanh, thậm chí còn đạt được những kết quả thắng lợi ngay trong đầu mùa xuân mới.
thep
Hòa Phát xuất khẩu 35.000 tấn HRC đi châu Âu.

Đầy ắp đơn hàng

Ngay trong dịp tết Nguyên đán đầu tháng 2/2022, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn. Thời gian giao hàng dự kiến từ ngày 15 đến 20/2/2022.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát, hiện rất nhiều khách hàng nước ngoài muốn đặt mua HRC nhưng Hòa Phát chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường. Hiện sản phẩm thép HRC của Hòa Phát đang ưu tiên tối đa cho thị trường trong nước, do Việt Nam còn thiếu hàng triệu tấn mỗi năm.

Vì thế, để đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng, Hòa Phát đang đẩy mạnh triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng với công suất 5,6 triệu tấn/năm. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC.

Cũng với khí thế hy vọng vào những kết quả tốt đẹp ngay từ đầu năm Nhâm Dần, các doanh nghiệp đều hồ hởi, hăng hái thực hiện ngay việc sản xuất, kinh doanh, với kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2022 sẽ tăng trưởng cao so với năm 2021.

Mặc dù còn nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng bằng nhiều nỗ lực, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC đã “khởi động” năm mới với sự có mặt của 100% lực lượng lao động. Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty cho hay, năm 2022 tình hình đã cải thiện rõ rệt, theo chiều hướng thuận lợi hơn. Nhờ đó, Công ty đã có thêm một vài dự án, hợp đồng mới để bảo đảm công việc, thu nhập cho người lao động.

Tương tự, ông Bùi Bá Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Thịnh Long (Thịnh Long Intra.,JSC) chia sẻ, công nhân rất hồ hởi bắt tay ngay vào làm việc nhưng luôn nâng cao ý thức cảnh giác với dịch Covid-19.

Hiện doanh nghiệp này đang sản xuất xuất khẩu mặt hàng khẩu trang cao cấp. Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Thịnh Long Intra.,JSC sẽ xây dựng nhà máy mới, quy mô rộng lớn, đạt chuẩn mọi tiêu chí về sản xuất trang thiết bị vật tư y tế tại Lương Sơn, Hòa Bình.

Tương tự, với số lượng đơn hàng đã ký kết đến hết quý 2/2022, lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần May 10 cho biết, số lượng lao động quay trở lại làm việc sau tết của doanh nghiệp đã đạt trên 90%, thậm chí có nhà máy đạt 100%. Hơn nữa, nếu như mọi năm, lượng công việc sau dịp Tết Nguyên đán không nhiều nhưng năm nay, lượng đặt hàng đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Vị này đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi sản xuất kinh doanh sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Kỳ vọng từ sự hồi phục và những trợ lực

Có thể thấy, bước sang năm 2022, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đã có nhiều khởi sắc hơn. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng; tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về vốn đăng ký.

Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia kinh tế, với tỷ lệ phủ vắc xin cao vào cuối năm ngoái và tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, cùng với việc đẩy mạnh tăng cường tiêm thêm mũi thứ 3, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ có sự hồi phục với những tín hiệu tươi sáng, lạc quan trong năm nay. Vì thế, nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội thì có thể đặt nền móng cho những tham vọng phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Không chỉ kỳ vọng vào sự phát triển và phục hồi của nền kinh tế, các doanh nghiệp đều rất trông chờ vào chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong hai năm 2022 và 2023. Các doanh nghiệp đánh giá, đây sẽ là trợ lực quan trọng để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Về vấn đề này, theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, năm 2022 sẽ là năm bản lề để doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch hồi phục và tăng tốc để lấy lại những gì đã mất của năm trước. Vì thế, để tạo khí thế và sức bật trong năm mới, Chính phủ cần có những quyết sách cải cách, tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp khơi thông sản xuất.

Ngày 8/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Thủ tướng yêu cầu ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cấp, các ngành phải bắt tay ngay vào công việc để thúc đẩy mạnh mẽ và từng bước nhanh chóng mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo khí thế phấn khởi ngay từ đầu năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm 2022.

Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các doanh nhân, hiệp hội ngành nghề và toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo, khắc phục khó khăn, không lùi bước trước thách thức, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội để phấn đấu vươn lên, trưởng thành và đạt kết quả cao nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, hiệu quả.