TÓM TẮT:

Năm 2005 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được xây dựng hoàn thiện và áp dụng cho đa số các nước trên thế giới. Áp dụng IFRS tại Việt Nam không nằm ngoài xu thế phát triển chung, nhưng áp dụng sao cho phù hợp với khuôn khổ pháp lý về chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam lại đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp.

Từ khóa: Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), lộ trình áp dụng, thách thức, hội nhập.

I. Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, để cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển bền vững, hỗ trợ thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã yêu cầu phải nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính. Mặt khác, để có thể tiếp cận các dòng vốn trên thị trường quốc tế, niêm yết tại thị trường nước ngoài, yêu cầu lập báo cáo tài chính theo IFRS đang trở thành nhu cầu ngày càng bức thiết và là xu hướng của hầu hết các doanh nghiệp. Theo đó, việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng với tầm nhìn Việt Nam 2035 “Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”, các chính sách của ASEAN cũng như theo kịp đà phát triển của những nền kinh tế thành công khác trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình phù hợp cho IFRS tại Việt Nam là một thách thức vô cùng to lớn cần phải xem xét đến nhiều khía cạnh khác nhau. Trước hết cần phải sửa đổi, bổ sung và cập nhật VAS theo IFRS, bởi lẽ VAS đã trở nên quá lạc hậu so với IFRS, thực hiện được điều này VAS sẽ rút gọn được khoảng cách khác biệt với IFRS.

Theo như lộ trình áp dụng IFRS được đặt ra, đến năm 2018, Việt Nam sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp thí điểm IFRS trên cơ sở đã đánh giá những khác biệt về cơ chế tài chính của Việt Nam với IFRS. Giai đoạn thứ hai từ 2018-2020, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ lựa chọn một số IFRS phù hợp với điều kiện của Việt Nam để áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, đồng thời xây dựng quy trình hướng dẫn áp dụng IFRS. Đến năm 2023, Việt Nam dự kiến nâng số lượng IFRS từ 10 lên 30 chuẩn mực tuân thủ, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ điều kiện lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS. Giai đoạn cuối cùng từ năm 2023 - 2025, Việt Nam hoàn toàn tuân thủ áp dụng IFRS. Bên cạnh đó các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và trường đại học xây dựng hoàn chỉnh bộ hướng dẫn áp dụng IFRS và sửa đổi, bổ sung, cập nhật thay đổi theo đúng thông lệ quốc tế.

IFRS được áp dụng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được cung cấp thông tin toàn diện, từ đó có thể đưa ra nhiều quyết định kinh tế quan trọng. Thông qua việc áp dụng IFRS đảm bảo báo cáo tài chính được lập sẽ minh bạch hơn, có thể so sánh, cải thiện và thiết lập mối quan hệ với người sử dụng báo cáo tài chính.

II. Những thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập

Kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Trong giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, thông qua việc áp dụng IFRS, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ hội nhập kinh tế như tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp cũng không hề ít khi hội nhập với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

Thứ nhất, hoạt động kinh tế của Việt Nam đơn giản, tốc độ phát triển của nền kinh tế luôn đi sau một số nước đang phát triển trong khu vực châu Á và các nước phương Tây. Thị trường vốn của Việt Nam mới được hình thành và chưa có vai trò quan trọng cũng như mối liên hệ với các thị trường vốn trên thế giới. Định hướng phát triển của các chuẩn mực kế toán của Việt Nam chỉ xoay quanh nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước, trong khi IFRS lại chú trọng phát triển ở thị trường này. Chính vì vậy nếu áp dụng IFRS vào Việt Nam một cách nhanh chóng sẽ không đạt được hiệu quả cao và gặp nhiều bất cập.

Thứ hai, mặc dù IFRS làm tăng tính minh bạch tài chính cho người sử dụng báo cáo tài chính trên toàn thế giới nhưng đối với các doanh nghiệp thì nó vẫn được xem là khá phức tạp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chi phí áp dụng IFRS là khá cao.

Thứ ba, chuẩn mực kế toán Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng IFRS phải áp dụng song song cả chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế.

Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải nhiều trở ngại, một trong số đó là sự bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa. Hiện nay IFRS được soạn thảo và ban hành bằng tiếng Anh, trong khi không phải kế toán mà ngay cả người quản lý doanh nghiệp nào cũng biết và hiểu rõ các nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong IFRS. Đây là một trong những nguyên nhân mà chính bản thân nó đã chứa đựng các rủi ro tiềm ẩn do các bên liên quan không thể hiểu hoặc hiểu không đúng về nhau. Trong khi đó không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam coi việc giải quyết sự bất đồng ngôn ngữ là một kế hoạch lớn cần phải được đầu tư giải quyết từ gốc.

Thứ năm, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam hiện chưa có chương trình đào tạo về IFRS một cách hệ thống.

Thứ sáu, IFRS tương đối phức tạp và khó hiểu đối với người sử dụng, ngay cả với những nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, IFRS yêu cầu người làm công tác kế toán phải am hiểu hoạt động của doanh nghiệp, nắm bắt, phân tích thông tin để có thể ghi nhận nghiệp vụ đúng bản chất của nó.

Thứ bảy, hệ thống kế toán hiện nay còn chịu nhiều ảnh hưởng của các quy định về thuế. Tuy nhiên, bản thân cơ quan thuế cũng như các cán bộ thuế cũng chưa nắm rõ về các chuẩn mực của IFRS, nên khi làm theo IFRS thì chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán sẽ ngày càng khác biệt. Do vậy, vẫn còn xảy ra những tranh luận giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi các cơ quan này nhận được bộ báo cáo tài chính theo IFRS từ phía các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thì có xu hướng chờ đợi thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết mà chưa sẵn sàng tiếp nhận các phương pháp tiếp cận linh động, hợp lý phản ánh đúng bản chất, nội dung nghiệp vụ của IFRS.

Thứ tám, việc áp dụng IFRS yêu cầu doanh nghiệp phải có một hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh để hỗ trợ việc thu thập, xử lý và trình bày thông tin tài chính. Trong khi đó, đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần mềm kế toán của doanh nghiệp còn mang tính thủ công, hệ thống kết nối thông tin chưa đủ mạnh để có thể cập nhật các thông tin tài chính kịp thời và đầy đủ.

III. Phương hướng áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập

Thứ nhất, áp dụng IFRS theo lộ trình đã được đề ra, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều lập báo cáo tài chính theo nguyên tắc giá gốc, còn IFRS lại áp dụng theo giá trị hợp lý. Việc sử dụng giá gốc làm đơn vị đo lường chủ yếu có thể đạt được độ tin cậy nhưng lại làm giảm tính liên quan của thông tin được cung cấp bởi báo cáo tài chính. Giá trị hợp lý ngày càng được sử dụng nhiều trong đo lường và ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính trong IFRS. Chính vì thế, trong bước đầu áp dụng tại Việt Nam, cần phải lựa chọn các IFRS phù hợp, tránh việc áp dụng đồng loạt.

Thứ hai, phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có hệ thống chuẩn mực kế toán áp dụng riêng. Hiện nay, các doanh nghiệp này đang áp dụng theo thông tư 133/2016/TT – BTC ban hành chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, để lập BCTC. Nếu áp dụng IFRS thì các doanh nghiệp này sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận, một mặt là do quá phức tạp, mặt khác là do điều kiện năng lực của kế toán viên còn hạn chế, chưa đủ khả năng tiếp cận.

Thứ ba, Nhà nước cần đề cao vai trò của các hiệp hội ngành Kế toán, kiểm toán, các tổ chức nghề nghiệp. Đây là những tổ chức có kinh nghiệm thực tiễn, được tiếp xúc trực tiếp với việc vận dụng các chuẩn mực kế toán vào nền kinh tế hiện nay.

Thứ tư, để có thể áp dụng thành thảo IFRS thì các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực kế toán. So thực tế nền kinh tế hội nhập quốc tế hiện nay, đội ngũ kế toán viên của Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế về năng lực. Đào tạo kế toán ở nước ta hiện nay vẫn còn mang nặng tính lý thuyết, đội ngũ kế toán viên được đào tạo mang tính hình thức mà chưa được tiếp cận các vấn đề về mặt bản chất. Thêm vào đó, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ kế toán viên còn nhiều hạn chế trong khi các chuẩn mực quốc tế hầu như được trình bày bằng tiếng Anh. Điều này đã làm giảm khả năng tiếp cận, tự học hỏi của kế toán viên. Chính vì thế, để có thể áp dụng thành thạo IFRS thì đội ngũ kế toán viên và các đối tượng liên quan cần nâng cao khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn của mình một cách thiết thực nhất.

Thứ năm, Việt Nam cần hoàn thiện môi trường pháp lý để phù hợp với yêu cầu của IFRS đáp ứng kịp thời sự đổi mới và phát triển của nền kinh tế.

IV. Kết luận

Trong bối cảnh của Việt Nam, dưới góc nhìn của những người quan tâm bao gồm kế toán viên, kiểm toán viên, nhà đầu tư… thì việc áp dụng IFRS là quá cần thiết và gần như áp dụng ngay lập tức trước khi các nước trên thế giới đã đi quá xa. Do IFRS vẫn tiếp tục vận động và thay đổi trong quá trình áp dụng trên thế giới nên chúng ta cũng cần có một cơ chế để tự cập nhật và áp dụng phù hợp với thị trường Việt Nam. Có thể xem xét xây dựng bộ chế độ kế toán đơn giản phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và áp dụng IFRS bắt buộc cho các công ty, tổ chức quy mô lớn. Theo quan điểm của những người hành nghề kiểm toán và tư vấn kế toán, việc áp dụng toàn bộ IFRS sẽ mở ra một xu hướng mới, thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của báo cáo tài chính, loại trừ sự khác biệt trong các chuẩn mực kế toán, là điều kiện để đảm bảo các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới áp dụng các nguyên tắc kế toán một cách thống nhất trong lập và trình bày các báo cáo tài chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Deaconu Adela, Principles and Rules-based Accounting Debate: Implications for an Emergent Country, The Journal of the Faculty of Economics, 1 (1): 602-608, (2011).

2. Thông cáo báo chí Hội thảo chuẩn mực BCTC quốc tế - Những thách thức và kinh nghiệm áp dụng.

3. Báo cáo Hội thảo kinh nghiệm triển khai IFRS tại các nước đang phát triển.

4. Tạp chí Chứng khoán số 213.

5. Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính, Phát triển và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo quốc gia.

6. ThS. NCS. Lê Văn Tân - Khoa Kinh tế và Kế toán - Đại học Quy Nhơn, Lợi ích và định hướng áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế trong các doanh nghiệp Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo quốc gia.

THE DIFFICULTIES OF VIETNAMESE ENTERPRISES IN

HARMOZING THE IMPLEMENTATION OF THE IFRS WITH

THE VIETNAMESE LEGAL FRAMEWORK OF ACCOUNTING

STANDARDS RELATED TO FINANCIAL STATEMENTS

MA. VU THI DUYEN

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The development and implementation of International Financial Reporting Standards (IFRS) in most countries in the world in 2005 was considered a cornerstone of the global accounting sector. The applying of the IFRS is an inevitable trend for Vietnamese accounting sector. However, Vietnamese enterprises are facing many difficulties which are associated to how to harmonize the implementation of the IFRS with the Vietnamese legal framework of accounting standards related to financial statements.

Keywords: International Financial Reporting Standards (IFRS), roadmap for application, challenge, integration.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây