Doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức của những rào cản kỹ thuật khi hội nhập kinh tế quốc tế

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, dự kiến cuối năm 2005 sẽ gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Khi bước vào “sân chơi” quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam không

Tuy nhiên, xu thế tự do hoá thương mại dần dần sẽ xoá bỏ các rào cản thương mại như thuế quan v.v... thay vào đó là các hàng rào khác, rào cản kỹ thuật. Hiện nay, người ta thường sử dụng những rào cản kỹ thuật như là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế nhập khẩu. Vậy rào cản kỹ thuật là gì? Theo các chuyên gia thì rào cản kỹ thuật là một khái niệm rộng bao trùm rất nhiều vấn đề trong kinh doanh và thương mại quốc tế. Nhưng, những nội dung chính hiện nay tập trung vào 3 vấn đề sau: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR), an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và hệ thống quản lý môi trường (QLMT).
Hiện tại, nhiều DNVN vẫn tỏ ra có những điểm yếu nhất định, ví dụ như, khả năng cạnh tranh thấp, chưa xây dựng được thương hiệu...chưa đáp ứng một cách đầy đủ các yêu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng và thị trường, trong đó có các vấn đề như, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ATVSLĐ và hệ thống QLMT.
Các nước như Trung Quốc, ấn Độ, Thailand, Indonesia... đang và sẽ là những đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực và trên thế giới của Việt Nam. Do đó, các DNVN cần phải lường trước trong tiến trình hội nhập.
Quan niệm về thành công của doanh nghiệp ngày nay cũng có sự thay đổi đáng kể. Nếu như trong những thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX, doanh nghiệp thành công phải là những doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận cao và cạnh tranh trên tiêu chí giá cả và chất lượng sản phẩm, thì ngày nay, quan niệm đó đã hoàn toàn thay đổi. Ngoài vấn đề lợi nhuận tài chính, còn phải quan tâm đến các giá trị khác, như môi trường, mà trong đó công ty hoạt động, những ảnh hưởng về mặt xã hội mà công ty đem lại, như mức lương và điều kiện sống của công nhân, giải quyết công ăn việc làm v.v...
Hiện nay, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, chiến lược thường cảnh báo cho các DNVN khi tham gia thị trường quốc tế cần phải thực hiện “tam bảo” (3 chứng chỉ về ISO 9000, ISO 14001 và SA8000 hoặc OHSAS 18000), nhưng thực tế chưa hẳn là như thế và đôi khi do khuyến cáo không đến nơi đến chốn, làm cho nhiều DNVN tốn kém tiền của, công sức (Đáng tiếc nhiều DNVN do được tư vấn chưa chuẩn xác nên đã “đổ sô” đi làm SA8000). Điều này dẫn đến việc, có những doanh nghiệp cùng một lúc phải thực hiện nhiều bộ qui tắc ứng xử COC của các bên mua khác nhau
Các công ty đa quốc gia thường đặt hàng từ các nước đang phát triển, nơi có giá lao động thấp, luật pháp chưa chặt chẽ, trong đó có VN, thông qua các nhà cung cấp. Do vậy, nơi nhập khẩu thường yêu cầu các công ty đa quốc gia đảm bảo rằng, các sản phẩm do các nhà cung cấp phải được sản xuất trong một môi trường trong sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh công nghiệp, ATVSLĐ và không có bóc lột v.v... Đây là nguyên nhân chính trong việc các công ty đa quốc gia thường đưa ra những Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct - COC) và yêu cầu các nhà cung cấp của mình tuân thủ, để đảm bảo uy tín của công ty (SA8000 cũng chỉ là một trong hàng nghìn COC đang tồn tại trên thị trường thế giới). Tuy nhiên, việc lựa chọn loại COC nào để áp dụng hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của mỗi doanh nghiệp, miễn là có lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Vấn đề bất cập đối với các doanh nghiệp là hiện nay là chưa có một COC nào chung cho hơn 1.000 COC đang được áp dụng trên thị trường. Thực tế cho thấy rằng, đã có những công ty đa quốc gia hoặc các công ty của nước ngoài, đôi khi muốn làm ăn với các công ty, đối tác VN, việc đầu tiên họ làm là cử những nhóm công tác đến khảo sát điều kiện làm việc của các đối tác Việt Nam, để tìm hiểu xem nhà xưởng, môi trường làm việc của người lao động có được chú trọng hay không. Người lao động luôn là trung tâm của mỗi quá trình sản xuất và là tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp, vì vậy, việc tạo ra một môi trường làm việc tốt cho người lao động sẽ làm cho không khí làm việc thoải mái, giúp giảm stress và dẫn đến tăng năng suất lao động. Hơn nữa, các đối tác nước ngoài khi nhận biết được điều này sẽ tự tìm đến ký kết hợp đồng kinh doanh với nhà máy, và kết quả là uy tín của nhà máy được nâng cao, sức cạnh tranh được cải thiện và thị trường xuất khẩu được đa dạng hoá thêm.
Mặc dù ở một số doanh nghiệp nhà nước đã có kế hoạch thực hiện ATVSLĐ hàng năm, nhưng nói chung, hoạt động ATVSLĐ tại các doanh nghiệp không có định hướng. Bộ máy để thực thi kế hoạch nơi có nơi không. Việc phân công trách nhiệm cũng được tiến hành nhưng không cụ thể. Việc trao đổi thông tin về vấn đề ATVSLĐ trong nội bộ doanh nghiệp và với các tổ chức bên ngoài hay các bên liên quan chưa được thực hiện đầy đủ. Nếu có, thì mới chỉ ở mức độ truyền đạt chung chung, chưa cụ thể. Các chương trình đào tạo ở các cấp khác nhau trong doanh nghiệp mới thực hiện một cách lồng ghép vào các chương trình đào tạo chung hoặc đào tạo nghề.
Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp không kiểm soát được các tài liệu văn bản liên quan đến hoạt động ATVSLĐ, không lưu trữ hồ sơ về các hoạt động ATVSLĐ đã được thực hiện. Việc đo lường và giám sát kết quả cũng như việc xem xét hiệu lực của các hoạt động chưa được tiến hành đồng bộ. Các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện báo cáo về ATVSLĐ cho các cơ quan bên ngoài. Nội dung báo cáo chưa được sử dụng làm cơ sở để cải tiến hoạt động ATVSLĐ.
DNVN làm gì để vượt qua các rào cản kỹ thuật? Như đã nêu ở trên, việc lựa chọn, áp dụng hay không áp dụng CSR, tiêu chuẩn về ATVSLĐ và QLMT là hoàn toàn tự nguyện, phụ thuộc vào quyết định và sự cần thiết của chính doanh nghiệp. Việc áp dụng đó không thay thế luật quốc gia và chủ yếu do sự thoả thuận giữa các bên tham gia (chủ yếu là bên bán hàng và bên mua hàng). Xu thế phát triển của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới trong những năm vừa qua cho thấy, việc đầu tư vào CSR, ATVSLĐ và QLMT của các doanh nghiệp là việc làm cần thiết. Nhiều bằng chứng ở Việt nam và trong khu vực cho thấy rằng, đầu tư vào những lĩnh vực này mang lại nhiều lợi ích cho công ty trong tương lai lâu dài.
DNVN đang tồn tại và phát triển trong vòng xoáy của cuộc cách mạng như vũ bão về khoa học kỹ thuật, sự tiến triển đa dạng và nhanh chóng của thị trường cùng với sự thay đổi quan niệm các giá trị mới về phát triển bền vững. Doanh nghiệp thành công của thế kỷ XXI là doanh nghiệp mang tính xã hội cao, tạo ra được nhiều lợi nhuận, đem lại nhiều lợi ích vật chất và tinh thần cho xã hội, các nhà cung cấp, người lao động... và là doanh nghiệp của mọi người.
Trên đây là những rào cản kỹ thuật thông thường mà nhiều nước gặp phải như người ta thường nói đến tại các cuộc hội thảo và báo chí. Nhưng có những rào cản mà chưa được nói đến và nhiều khi lại là những rào cản gây khó khăn khôn lường cho các DNVN trong quá trình hội nhập, đó là chính chúng ta tạo ra những rào cản chỉ vì trình độ hạn chế của các chuyên gia Việt Nam trong các cuộc đàm phám song phương hoặc đa phương. Gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đề nghị nên có hình thức kỷ luật thích đáng những người có trách nhiệm ký các hiệp định với nước ngoài gây hậu quả xấu hay bất lợi đối với nước nhà. Tìm hiểu nguyên nhân này, chúng tôi nhận thấy, phần lớn là do trình độ của các chuyên gia còn hạn chế, trong đó có cả vấn đề ngoại ngữ. Nếu chúng ta có chế tài xử phạt những người ký kết các văn bản gây bất lợi cho nước nhà thì xem ra, với tình hình hiện nay khó thực hiện. Bởi lẽ, người có quyền ký thì nhiều khi không có thời gian để tìm hiểu hoặc không có chuyên môn để hiểu nội dung của văn bản (thậm chí có những văn bản dày hàng nghìn trang, các chuyên viên đọc cũng không hết...), còn các chuyên viên giúp việc, do hạn chế về trình độ nên không thể làm tốt nhiệm vụ được giao. Vậy chúng ta xử phạt người ký hay xử phạt người “chắp bút”? Muốn chấm dứt tình trạng trên, không thể chỉ bằng các hình thức xử phạt, mà chỉ có một con đường duy nhất là chúng ta phải làm tốt công tác công khai thi tuyển công chức để chọn được những người có tài thực sự vào bộ máy công quyền. Chỉ có thế thì DNVN mới không bị đẩy vào tình trạng như bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đã nhận xét “ Doanh nghiệp Việt Nam không ngại những đối thủ nặng ký và thủ đoạn trên thương trường quốc tế, mà sợ nhất những cản trở bắt nguồn từ môi trường kinh doanh do thiếu minh bạch trong chính sách. Đây chính là khe hở làm nảy sinh tiêu cực đối với cả nhà quản lý và doanh nghiệp”.

  • Tags: