Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội xuất nhập khẩu và đầu tư với thị trường Nam Phi

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Johannesburg, Pretoria, Durban và Capetown (Nam Phi), dự kiến từ ngày 6 - 15/9/2022.

Để hỗ trợ các tổ chức, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến giao thương, tìm kiếm các cơ hội xuất nhập khẩu và đầu tư với thị trường Nam Phi, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Johannesburg, Pretoria, Durban và Capetown (Nam Phi). Các doanh nghiệp thuộc tất cả ngành hàng đều có thể tham gia, ưu tiên nông sản, thực phẩm, tiêu dùng...

Theo Cục Xúc tiến thương mại, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia là năng lực sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp; năng lực giao dịch thương mại quốc tế của nhân sự tham gia Đoàn; ngành hàng phù hợp với mục tiêu Chương trình Đoàn; mục tiêu tham dự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; hồ sơ đăng ký tham dự nộp đúng hạn quy định.

Dự kiến Chương trình Đoàn sẽ làm việc với Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi và tổ chức Hội thảo Cơ hội kinh doanh với thị trường Nam Phi, Hội thảo xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Durban (Nam Phi),  Hội thảo xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Cape Town (Nam Phi); các cuộc tiếp xúc, giao dịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi; khảo sát kho hàng và làm việc với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu của Nam Phi.

Mỗi doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Đoàn (có năng lực sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, có mục tiêu xúc tiến xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Nam Phi.

Nhân sự tham gia Đoàn có khả năng giao dịch thương mại quốc tế và nộp hồ sơ đăng ký tham dự đầy đủ, đúng hạn quy định) sẽ được Nhà nước hỗ trợ 01 vé máy bay chặng hành trình Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh – Nam Phi - Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh cho 01 đại diện của doanh nghiệp và một số chi phí tổ chức các chương trình giao thương theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BCT ngày 30/7/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Các chi phí khác do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm chi trả.

Ngoài ra, các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Đoàn, sau khi kết thúc chương trình Đoàn sẽ tiếp tục được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ kết nối với các đối tác Nam Phi tiềm năng (nếu có), cung cấp dịch vụ thẩm định đối tác, tư vấn lập hợp đồng ngoại thương... theo nhu cầu. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Châu Phi đạt 2,24 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi đạt 1,15 tỷ USD, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, hiện nay, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Châu Phi là gạo (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi). Vấn đề an ninh lương thực vốn được các nước Châu Phi quan tâm, và càng được quan tâm hơn trong bối cảnh đại dịch Covid 19 đang hoành hành. Trong khi đó, sản xuất gạo của các nước Châu Phi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của khu vực này. Do đó, gạo Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà, Ghana, Mozambique.

Bên cạnh gạo, Châu Phi cũng có nhu cầu lớn về mặt hàng cà phê và hạt tiêu. Hàng năm, Châu Phi dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính.  Ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được quan tâm tại khu vực này.

Xuân An