Đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp: kinh nghiệm hợp tác với các trường đại học trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam

ThS. HOÀNG THU THẢO (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tài chính – Marketing)

Tóm tắt:

Đổi mới sáng tạo mở đang diễn ra và trở thành xu thế trên khắp hệ thống khoa học công nghệ trên thế giới, đặc biệt là sau nghiên cứu của Chesbrough (2003). Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực mới với các doanh nghiệp ở Việt Nam. Dựa trên các luận chứng lý thuyết, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, bài viết làm rõ khái niệm và các cơ chế hoạt động của đổi mới sáng tạo mở đồng thời đưa ra gợi ý về những giải pháp và kiến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm tháo gỡ các rào cản và thúc đẩy hiệu quả hoạt động hợp tác với các trường đại học.

Từ khóa: đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo mở, hợp tác doanh nghiệp - đại học, nghiên cứu và phát triển.

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ đổi mới sáng tạo mở (open innovation) bắt đầu được các học giả và các nhà quản trị quan tâm từ khi GS. Henry Chesbrough trình bày lần đầu trong tác phẩm “Open innovation: The new imperative for creating and profiting from technology” vào năm 2003. Tác giả định nghĩa đổi mới sáng tạo mở là “việc sử dụng các luồng tri thức từ ngoài vào và từ trong ra một cách có chủ đích để thúc đẩy đổi mới nội bộ và mở rộng thị trường tương ứng để áp dụng đổi mới ra bên ngoài” (Chesbrough, 2003, tr. 2). Theo đó, đây được nhận định là quá trình đồng sáng tạo, bởi nó có liên quan mật thiết đến dòng chảy tri thức và xuyên suốt tất cả các tác nhân liên quan đến sản phẩm, như: bản thân doanh nghiệp, các nhà cung cấp, hay cả các đối thủ cạnh tranh, trường đại học, …

Bài viết tập trung vào sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đại học. Đây là mối quan hệ hợp tác đã được giới học thuật chú ý và nghiên cứu rộng rãi, bởi năng lực sản xuất của cải của một quốc gia ngày càng phụ thuộc vào sự đầu tư củng cố tam giác tri thức “nghiên cứu - giáo dục - đổi mới”, do đó sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đại học có thể là một cách tiếp cận tốt để kết hợp kiến thức và thực nghiệm để tạo ra các sản phẩm, giải pháp mới, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo.

Những năm gần đây, sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đã được nghiên cứu từ các khía cạnh khác nhau. Theo Buganza, và Verganti (2009), các doanh nghiệp coi đây là một phương tiện để tiếp thu kiến thức công nghệ và để lựa chọn được đối tác trường đại học phù hợp họ cần dựa vào nhiều biến số khác nhau. Nghiên cứu của Awasthy, Flint, Sankarnarayana, và Jones (2020) cũng đưa ra các biện pháp khác nhau được đề xuất dưới dạng các mô hình hoặc thực tiễn tốt nhất để nâng cao hiệu quả của hợp tác doanh nghiệp và trường đại học.

Một số tác giả khác tập trung vào việc mô tả các động lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này (Chesbrough, 2003). Mặc dù đây là xu hướng nhận được nhiều sự chú ý của các học giả ở Việt Nam, nhưng hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào vai trò của các trường đại học trong mối quan hệ hợp tác này (Đỗ Khắc Thanh, & Hoàng Công Kiên, 2020; Vũ Đình Khoa, & Nguyễn Thị Mai Anh, 2019) mà chưa tập trung phân tích dưới góc độ doanh nghiệp. Do đó, bài viết nhằm phân tích các cơ chế hoạt động của đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp, cụ thể trong mô hình hợp tác với trường đại học, nhấn mạnh cơ hội và thách thức của mối quan hệ này dựa trên các luận chứng lý thuyết và tổng hợp kinh nghiệm từ các nghiên cứu trong nước và quốc tế. Từ đó, gợi ý về những giải pháp và kiến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam, nhằm tháo gỡ các rào cản và thúc đẩy hiệu quả hoạt động hợp tác với các trường đại học.

2. Cơ chế hoạt động của đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp

Với mô hình đổi mới sáng tạo mở, ranh giới giữa các tổ chức đã dần trở nên “dễ thấm” hơn (Chesbrough, 2003), khuyến khích sự hợp tác với các đối tác bên ngoài để tăng khả năng tạo, sử dụng và tổng hợp lại kiến thức mới và hiện có cho doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo mở đề cập đến sự dịch chuyển luồng tri thức có giá trị bắt nguồn từ cả bên trong và bên ngoài công ty, tương ứng với 3 cơ chế hoạt động của đổi mới sáng tạo mở.

Luồng từ ngoài vào (inbound hoặc outside-in) đề cập đến luồng tri thức chảy từ môi trường bên ngoài vào trong doanh nghiệp. Đây là hình thức các doanh nghiệp khai thác công nghệ từ các đối tác như nhà cung ứng, khách hàng, đối thủ cạnh tranh hoặc trường đại học, viện nghiên cứu. Chu trình này thường áp dụng việc chia sẻ giấy phép sáng chế hoặc mua bằng sáng chế từ bên ngoài, hay nhận chuyển giao công nghệ.

Luồng từ trong ra (outbound hoặc inside-out) đề cập đến luồng tri thức, hay ý tưởng, công nghệ, sáng chế được đưa ra ngoài thị trường thông qua việc bán, chuyển nhượng tài sản trí tuệ từ doanh nghiệp cho đối tác. Chu trình này thường được áp dụng bởi các tổ chức có tiềm lực R&D mạnh, đây không chỉ đơn thuần là sự lan tỏa tri thức, mà còn là một khoản thu nhập quan trọng để tái đầu tư vào hoạt động R&D khác.

Quy trình hỗn hợp là sự kết hợp cả việc tích hợp kiến thức từ bên ngoài vào và chia sẻ kiến thức ra bên ngoài, thông qua việc xây dựng các liên minh trong những ngành, lĩnh vực công nghệ. Nghiên cứu này đề cập đến mô hình hợp tác doanh nghiệp - trường đại học, đây chính là một ví dụ điển hình của đổi mới sáng tạo mở theo quy trình hỗn hợp.

3. Đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp với đối tác là các trường đại học trên thế giới

3.1. Các hình thức của hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học

Theo Moradi và Noori (2020), khái niệm hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học bao gồm tất cả các hoạt động có hệ thống, bằng cách kết hợp các trường đại học và doanh nghiệp lại với nhau và thực hiện các nhiệm vụ mà hai cơ sở này không thể thực hiện một mình. Các công ty có thể hợp tác với các trường đại học theo bất kỳ cách nào và hầu như được đánh giá đem lại khả năng đổi mới cao hơn cho các công ty so với khi không có sự hợp tác. Hình thức đào tạo và nâng cao nghiệp vụ thường xuyên được đề cập khá nhiều trong các nghiên cứu (Buganza & Verganti, 2009; Howells, Ramlogan, & Cheng, 2012).

Ngoài ra, các hoạt động hợp tác không chính thức cũng được các công ty đánh giá cao. Các giảng viên hoặc nhân viên tại doanh nghiệp có thể đảm nhận tư vấn lẫn nhau, liên kết tổ chức các hội thảo, hội nghị trong ngành hoặc doanh nghiệp và các trường đại học có thể tiến hành hợp tác nghiên cứu khoa học (Đỗ Khắc Thanh & Hoàng Công Kiên, 2020). Trong một báo cáo gần đây, Trung tâm nghiên cứu tiếp thị khoa học đến doanh nghiệp (Science-to-Business Marketing Research Centre) châu Âu đã tổng hợp 8 hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học như tại Bảng 1.

Bảng 1. Các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học

Hoàng Thu Thảo

3.2. Lợi ích cho doanh nghiệp khi hợp tác với trường đại học

Một trong những lợi ích hàng đầu các doanh nghiệp mong đợi trong mối quan hệ hợp tác với các trường đại học là phát triển các phương pháp và công nghệ mới (Howells và cộng sự, 2012). Bằng cách hợp tác với các phòng nghiên cứu của trường đại học, các công ty có thể khám phá các kỹ thuật và phương pháp mới mà không cần đầu tư quá nhiều vào nhân viên hoặc cơ sở hạ tầng vật chất. Hơn nữa, đội ngũ giảng viên với nhiều chuyên môn khác nhau có thể tham gia giải quyết, tư vấn các vấn đề liên quan trong lĩnh vực của họ, từ đó doanh nghiệp có thể khai thác kiến thức từ nhiều lĩnh vực đa dạng, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và phát triển của công ty. Ngoài ra, việc tham gia của các sinh viên cũng giúp công ty xây dựng đội ngũ nhân lực tiềm năng và có kinh nghiệm thực tiễn trong tương lai. Trong một nghiên cứu tại 700 doanh nghiệp ở Châu Âu, họ đã xác nhận kỹ năng của sinh viên trở nên phù hợp hơn với thị trường lao động sau các dự án hợp tác với trường đại học (Melink & Pavlin, 2014).

Đồng thời, các doanh nghiệp có thể khai thác sự đổi mới trong mối liên kết với trường đại học thông qua một số kênh không chính thức như hội thảo, hội nghị chuyên ngành. Vì các nhà nghiên cứu đại học công khai chia sẻ công trình khoa học của họ, nên công ty có thể dễ dàng tìm kiếm các chuyên gia giỏi và xem xét kết quả của các dự án đã thực hiện nghiên cứu trước đây. Đối với các công ty, việc thu thập kiến thức từ giới học thuật rất có giá trị vì nó giảm chi phí, cải thiện danh tiếng của tổ chức, nâng cao năng lực học tập và phát triển nguồn nhân lực của công ty (Ryan, 2007).

3.3. Các rào cản cho các doanh nghiệp khi thực hiện hợp tác với các trường đại học

Mặc dù những nỗ lực của doanh nghiệp để thúc đẩy sự hợp tác với các trường đại học đã được khẳng định trong rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm trước đây (Awasthy và cộng sự, 2020), dường như vẫn còn nhiều trở ngại đáng kể làm hạn chế sự liên kết này. Dựa trên kết quả cuộc khảo sát 600 công ty của Anh, Howells và cộng sự (2012) đã tổng hợp những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa thật sự nhiệt tình kết nối với các trường đại học (Hình 1). Trong đó, nguyên nhân chính xuất phát từ mức độ phù hợp về hoạt động của 2 đơn vị, các doanh nghiệp e ngại hoạt động của trường đại học không phù hợp với hoạt động kinh doanh của họ.

Mục tiêu chính của các doanh nghiệp khi thực hiện đổi mới là bằng sáng chế để khai thác thương mại, còn ưu tiên của các trường đại học là việc công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu. Hơn nữa, tính ứng dụng thực tiễn từ các sản phẩm nghiên cứu của họ thường hạn chế, do đó phần lớn các doanh nghiệp chưa tin tưởng kết quả nghiên cứu từ các trường đại học và áp dụng vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh (Đinh Văn Toàn, 2016). Trong một nghiên cứu thực nghiệm khác, Hall, Link, và Scott (2001) đã bổ sung rằng, bộ máy hành chính cũng được nhận định là một trong những trở ngại rất lớn đối với doanh nghiệp. Quản lý hành chính của trường đại học thường không đủ sự linh hoạt trong mối quan hệ hợp tác và chưa đáp ứng được tốc độ thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Hình 1: Những trở ngại khi doanh nghiệp hợp tác với trường đại học

Hoàng Thu Thảo

Nguồn: Howells và cộng sự (2012, tr. 449)

4. Thực trạng đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp Việt Nam thông qua mối quan hệ hợp tác với các trường đại học

Ở Việt Nam, mô hình hợp tác đại học - doanh nghiệp đã được áp dụng khá rộng rãi tại các trường đại học, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được các học giả trong nước đánh giá cao (Đỗ Khắc Thanh, & Hoàng Công Kiên, 2020; Vũ Đình Khoa, & Nguyễn Thị Mai Anh, 2019). So với các quốc gia khác, đổi mới về vấn đề này đang được diễn ra khá chậm ở Việt Nam, mang tính ngắn hạn và thiếu đồng bộ. Theo nghiên cứu “Quan điểm của các doanh nghiệp trong hợp tác với trường đại học” của công ty T&C Consulting (2017) cho thấy, các doanh nghiệp nhìn nhận sự hợp tác này đóng vai trò “săn bắt” hơn là “nuôi trồng” nguồn nhân lực cho tương lai (Nguyễn Phương Anh, 2017).

Hình thức hợp tác phổ biến được các doanh nghiệp sử dụng là tuyển dụng sinh viên làm bán thời gian và thực tập, cụ thể các chương trình “thực tập sinh tài năng” được nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư nhằm sàng lọc và tìm ra các nhân lực tiềm năng và nổi trội. Ngoài ra, mức độ hài lòng của doanh nghiệp sau hợp tác chỉ dừng ở điểm số trung bình, và chỉ có 47 trong tổng số 493 trường đại học được các doanh nghiệp đánh giá là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” (Nguyễn Phương Anh, 2017).

Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là mối liên kết bình đẳng hai bên cùng có lợi chứ không phải là mối liên kết chỉ có sự hỗ trợ một chiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tâm lý “ỷ lại” và chưa thật sự có niềm tin vào lợi ích của mối quan hệ hợp tác với trường đại học (Lưu Xuân Công & Vũ Tiến Dũng, 2019). Do đó, các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động trong hợp tác, và chưa tham gia sâu vào việc nuôi dưỡng đào tạo nhân lực trong tương lai. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư thường xuyên cho các trường đại học cũng đang ở mức rất hạn chế.

Đa số doanh nghiệp ở nước ra vẫn đầu tư theo kiểu hời hợt, hướng đến mục tiêu ngắn hạn và ít chú trọng đến phát triển bền vững (Đinh Văn Toàn, 2016). Trong khi đó, các trường đại học thường đào tạo theo chương trình đã lên khung cứng nhắc từ trước mà chưa đề cao nhu cầu thực tế của người sử dụng lao động, cũng chưa có động lực đủ mạnh để thay đổi. Do đó, còn tồn tại khoảng cách rất lớn giữa kiến thức lý thuyết trong nhà trường và thực tế công việc. Hậu quả là, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng thực hành và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên không tìm được việc làm sau đào tạo vẫn rất cao (trên 30%).

Hợp tác trong nghiên cứu khoa học công nghệ với các trường đại học còn hạn chế và mang tính tự phát (Đinh Văn Toàn, 2016). Qua khảo sát một số công trình nghiên cứu ở doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo đại học ở nước ta, Lưu Xuân Công và Vũ Tiến Dũng (2019) đã chỉ ra chỉ có 4% doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo đại học trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 29% doanh nghiệp tham gia hội thảo, tọa đàm, giảng dạy ở các cơ sở đào tạo. Do đó, tỷ trọng chuyển giao công nghệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh chiếm tỷ lệ rất thấp so với các hoạt động hợp tác khác.

5. Các kiến nghị thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp Việt Nam thông qua mối quan hệ hợp tác với các trường đại học

 Ngày nay, việc hình thành các liên minh, các cụm, các hệ sinh thái sẽ trở thành xu thế tất yếu khi mọi thành phần cần dựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Lợi ích của việc chia sẻ tri thức không chỉ đem lại cho riêng cá nhân doanh nghiệp hay trường đại học mà còn cho cả xã hội. Do đó, đổi mới mở theo hướng hợp tác với các trường đại học cần được các doanh nghiệp nhận thức đúng đắn và đẩy mạnh phát triển hơn.

Thứ nhất, sự khác biệt về động cơ, quan điểm và giá trị giữa trường đại học và doanh nghiệp là một trong những trở ngại lớn nhất của mối quan hệ hợp tác này. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức được việc giảng viên và sinh viên trực tiếp tham gia dự án hợp tác là một sự đầu tư tiềm năng cho lợi ích lâu dài. Các hoạt động như tiếp nhận sinh viên, tạo cơ hội được trực tiếp trải nghiệm, học hỏi, hoặc tham gia hợp tác phát triển đổi mới sẽ trở thành bước đệm xây dựng đội ngũ nhân lực tiềm năng và có kinh nghiệm thực tiễn trong tương lai. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích đội ngũ nhà khoa học ở các trường đại học tham gia vào các dự án của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các trường đại học ở Việt Nam thường được nhận xét khá xa rời với thực tiễn thị trường. Do đó, sự nhiệt tình tham gia của các doanh nghiệp vào việc xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá sinh viên theo thuẩn đầu ra, báo cáo chuyên đề, hội thảo,... sẽ giúp các trường đại học thiết kế hoạt động dạy và học theo định hướng thực tế và phù hợp với doanh nghiệp hơn.

Thứ hai, doanh nghiệp thường đề cao tính ứng dụng và khai thác thương mại của các đề tài hợp tác nghiên cứu phát triển, trong khi trường đại học lại chú ý đến công bố khoa học. Để sự hợp tác thành công hơn, việc lập kế hoạch dự án và giám sát việc thực hiện từng khâu không nên được thực hiện bởi một bên, mà cần nhận định đây là một dự án chung. Do đó, sự kết nối và trao đổi liên tục, các cuộc họp thường xuyên cần phải được duy trì để khắc phục tình trạng nhầm lẫn, thiếu sót và không phù hợp yêu cầu. Bên cạnh đó, tính linh hoạt là một yếu tố quan trọng để tăng tốc độ kết nối hai bên trong môi trường năng động. Không có đủ sự linh hoạt cũng đồng nghĩa với việc cứng nhắc khi gặp phải sự không đồng tình quan điểm, và sẽ khó khăn để đi đến thống nhất. Do đó, nỗ lực duy trì một mối quan hệ thân thiết, với sự tin tưởng và cam kết cao giữa doanh nghiệp và trường đại học sẽ giúp tối đa hóa tính linh hoạt của các bên, tăng cường sự chia sẻ thông tin và thúc đẩy hiệu quả hợp tác.

Thứ ba, các trở ngại về hệ thống hành chính quan liêu với nhiều cấp ra quyết định và sự cứng nhắc của quy định sẽ là trở ngại lớn với tốc độ và hiệu quả của sự hợp tác. Do đó, các doanh nghiệp và trường đại học ở Việt Nam cần cải thiện hệ thống hành chính theo hướng tinh giản, linh hoạt hơn, hoặc ứng dụng sự phát triển của nền tảng số để tăng tốc độ và hiệu quả giao tiếp giữa các cấp.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cần tích cực tìm sự hỗ trợ từ chính phủ bởi các tài trợ trực tiếp dưới hình thức đồng tài trợ công cho các dự án hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường đại học sẽ là một động lực lớn để đảm bảo tính hiệu quả của sự hợp tác (Lam và cộng sự, 2012).

6. Kết luận

Đổi mới sáng tạo mở là một cách tiếp cận mới để thu thập ý tưởng và cải tiến đổi mới doanh nghiệp, thông qua sự hợp tác với các đối tác bên ngoài để mang lại kiến thức và công nghệ bổ sung cho tổ chức của họ (Chesbrough, 2003). Trong số các loại đối tác tiềm năng đa dạng trên thị trường, bài viết này tập trung vào đối tượng các trường đại học. Bài viết đã làm rõ một số nội dung liên quan đến định nghĩa và các đặc trưng của đổi mới mở ở doanh nghiệp, cụ thể theo hướng hợp tác với các trường đại học. Ngoài ra, bài viết cũng thảo luận về những rào cản, thách thức ảnh hưởng đến hiệu quả của sự kết nối này và đề xuất một số kiến nghị.

Ở Việt Nam, các học giả chủ yếu tập trung vào vai trò của các trường đại học trong mối quan hệ hợp tác này mà chưa tập trung nghiên cứu dưới góc độ doanh nghiệp, do đó mục tiêu của bài viết là giới thiệu và mong muốn được cộng đồng trong nước quan tâm và hình thành nhiều đề xuất nghiên cứu liên quan trong thời gian tới. Bởi chỉ khi sự hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các liên minh, hệ sinh thái được diễn ra hiệu quả, thì mô hình đổi mới sáng tạo mở mới thực sự phát huy tác dụng, nâng cao tính cạnh tranh và tăng giá trị doanh nghiệp theo hướng bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Awasthy, R., Flint, S., Sankarnarayana, R., & Jones, R. L. (2020). A framework to improve university-industry collaboration. Journal of Industry-University Collaboration, 2(1), 49-62.
  2. Buganza, T., & Verganti, R. (2009). Open innovation process to inbound knowledge: Collaboration with universities in four leading firms. European Journal of Innovation Management, 12(3), 306-325.
  3.  Chesbrough, H. (2003). Open innovation: The new imperative for creating and profiting from technology. USA: Harvard Business Press.
  4.  Đỗ Khắc Thanh, & Hoàng Công Kiên. (2020). Hợp tác trường đại học - doanh nghiệp: Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại trường đại học Hùng Vương. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hùng Vương, 20(3), 36-44.
  5. Đinh Văn Toàn, (2016). Hợp tác đại học - doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, 32(4), 69-80.
  6. Hall, B. H., Link, A. N., & Scott, J. T. (2001). Barriers inhibiting industry from partnering with universities: Evidence from the advanced technology program. The Journal of Technology Transfer, 26(1), 87-98.
  7. Howells, J., Ramlogan, R., & Cheng, S.-L. (2012). Universities in an open innovation system: A UK perspective. International Journal of Entrepreneurial Behaviour & Research, 18(4), 440-456.
  8. Lam, J. C. K., Hills, P., & Ng, C. K. W. (2012). Open innovation: A study of industry-university collaboration in environmental R&D in Hong Kong. The International Journal of Technology, Knowledge, and Society, 8, 84-102.
  9. Lưu Xuân Công, & Vũ Tiến Dũng. (2019). Thúc đẩy liên kết trường đại học và doanh nghiệp ở nước ta trước bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Truy cập tại: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/thuc-day-lien-ket-truong-dai-hoc-va-doanh-nghiep-o-nuoc-ta-truoc-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-22218.html.
  10. Melink, M., & Pavlin, S. (2014). Emerging modes of cooperation between private enterprises and universities-insights of European enterprises and employers organisations. Ljubljana, Slovenia: University of Ljubljana, Faculty of Social Sciences.
  11. Moradi, Y., & Noori, S. (2020). Entrepreneurial cooperation model between university and SMEs: A case study in Iran. Sustainability, 12, 9140.
  12. Nguyễn Phương Anh (2017). Quan điểm của các doanh nghiệp trong hợp tác với trường đại học. Truy cập tại: http://tc-consulting.com.vn/2017/03/17/quan-diem-cua-cac-doanh-nghiep-trong-viec-hop-tac-voi-cac-truong-dai-hoc-ky-1/.
  13. Rigby, D., & Zook, C. (2002). Open market innovation. Harvard Business Review, 26(3), 3-17.
  14. Ryan, L. (2007). Developing a qualitative understanding of university-corporate education partnerships. Management Decision, 45(2), 153-160.
  15. Vũ Đình Khoa, & Nguyễn Thị Mai Anh. (2019). Nghiên cứu vai trò hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đối với khả năng tuyển dụng của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tạp chí Kinh tế - Xã hội, 53, 113-119.

OPEN INNOVATION IN ENTERPRISES: EXPERIENCE IN THE UNIVERSITY - INDUSTRY COLLABORATION AND SOME RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM

Master. Hoang Thu Thao

Faculty of Business Administration

University of Finance - Marketing

Abstract:

Open innovation has been considered as a key topic in science and technology system, especially after the study of Chesbrough (2003). However, this is still a new concept for enterprises in Vietnam. By doing an overview of the previously works on open innovation, this paper clarifies the concept and characteristics of open innovation, especially forms of open innovation, barriers to the university - industry collaboration and benefits of this collarboration. This paper also suggests some managerial implications to help Vietnamese enterprises break barriers against the university - industry collaboration and enhance the university - industry collaboration efficiency.

Keywords: innovation, open innovation, research and development, university - industry collaboration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 20, tháng 8 năm 2021]