Đội mũ bảo hiểm tiết kiệm 3,5 tỷ USD

Sau 10 năm thực hiện, Việt Nam đã ngăn chặn được hơn 500.000 ca chấn thương sọ não. Cụ thể, tỷ lệ các bệnh nhân bị tổn thương não đã giảm từ 21% xuống 13%; bảo vệ hơn 15.000 mạng sống, tiết kiệm được

Ngày 15/12/2017, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với các bộ ngành, cơ quan thành viên và quỹ phòng chống thương vong châu Á tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô xe máy.

Theo thông tin từ Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, hiện tỷ lệ người dân chấp hành đã đạt hơn 90%, qua đó góp phần kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người mỗi năm.

 Đại diện các Bộ, ngành trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đội mũ bảo hiểm

Sau 10 năm thực hiện, Việt Nam đã ngăn chặn được hơn 500.000 ca chấn thương sọ não. Cụ thể, tỷ lệ các bệnh nhân bị tổn thương não đã giảm từ 21% xuống 13%; bảo vệ hơn 15.000 mạng sống, tiết kiệm được hơn 3,5 tỷ USD.

Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng đã giúp hạn chế thương tích nặng, đặc biệt là chấn thương sọ não đối với người đi môtô, xe gắn máy.

Theo nghiên cứu của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP), các vụ chấn thương do tai nạn giao thông giảm rõ rệt ngay sau khi có quy định đội mũ bảo hiểm. Năm 2007, cả nước có 10.200 vụ tai nạn giao thông đã giảm xuống còn hơn 7.700 vụ năm 2008, tỷ lệ tử vong giảm từ hơn 12.000 ca xuống còn hơn 11.000 ca cùng thời gian đó.

“Việt Nam là một ví dụ quan trọng về sự quyết tâm của chính quyền nhà nước trong một thời gian dài để giải quyết tình trạng chấn thương và tử vong do tai nạn mô tô gây ra”, ông Saul Billingsley, Giám đốc điều hành của quỹ FIA cho biết.

“Báo cáo này cho thấy được những yếu tố tạo nên sự thành công đó chính là một mục tiêu rõ ràng liên hệ mất thiết đến kế hoạch hành động, dưới sự hỗ trợ từ các bên, của các nhà ại trở quốc tế và các chuyên gia, cùng sự huy động và tham gia của cộng đồng xã hội, và hơn hết là sự khuyến khích và cam kết của hệ thống pháp luật”, ông Saul Billingsley chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, vấn đề còn tồn tại là tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện chỉ ở mức 35 -40%. Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ kém chất lượng, mũ giả, mũ nhái kiểu dáng mũ bảo hiểm còn phổ biến, khiến tỷ lệ thương vong vẫn ở mức cao.

Đây vẫn là những vấn đề còn tồn tại, cần các cơ quan chức năng tìm giải pháp xử lý để nâng cao hơn nữa hiệu quả quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trong thời gian tới.

“Và điều quan trọng mỗi người tham gia giao thông cũng phải tự nhận thức được đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn là đảm bảo an toàn cho chính bản thân mỗi người, đặc biệt đội mũ bảo hiểm cho trẻ em chính là trách nhiệm của người lớn”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.


Thu Thảo