Mục đích của hội thảo giúp cho doanh nghiệp dệt may trao đổi tình hình triển vọng, những thuận lợi, rào cản và sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho dệt may trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi đến giai đoạn cuối.

Hội thảo thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham giaÔng Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA và CPTPP là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

CPTPP đã chính thức được ký kết ngày 09/03/2018 vừa qua giữa 11 quốc gia, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa thị trường - một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Còn EVFTA được tách làm hai hiệp định, một hiệp định về thương mại và một hiệp định về đầu tư. Hai bên đã công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với hiệp định về thương mại. Từ đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore và trên Malaysia với giá trị thương mại đạt 47,6 tỷ Euro trong năm 2017.

Ông Trần Thanh Hải, Cục Phó cục Xuất nhập Khẩu phát biểu

Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, khi hai Hiệp định này chính thức có hiệu lực, sẽ tạo động lực rất lớn cho các DN dệt may xuất khẩu vào thị trường EU; Hoa Kỳ sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam; các nước trong Hiệp định hạn chế sử dụng nguyên phụ liệu các nước bên ngoài, qua đó hình thành chuỗi cung ứng nội khối nhằm tương trợ lẫn nhau. Một sản phẩm hoàn hảo phải được hình thành từ sợi, và gia công tại chính Việt Nam hoặc thực hiện tại một trong các nước trong Hiệp định; Nhiều linh hoạt được áp dụng trong quy tắc xuất xứ như 3 nhóm hàng được áp dụng quy tắc cắt may, và khi xuất khẩu vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi (valy, túi xách; áo ngực phụ nữ; quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp)...

Cơ hội với ngành dệt may Việt Nam khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực là rất lớn. Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích từ Hiệp định CPTPP, khó khăn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải vượt qua cũng không nhỏ. Theo đó, yêu cầu khắt khe của CPTPP là nguyên tắc xuất xứ và bên cạnh đó là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh, mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may của trong nước vẫn sản xuất gia công, may đơn hàng theo mẫu và năng suất lao động còn thấp. Vì vậy, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng cho biết “Vấn đề về hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng truyền tải... cũng là một trong những thách thức lớn, rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp chiến lược. Bởi nếu không sẽ bị kẻ xấu lợi dụng, sử dụng thương hiệu Việt Nam để đưa hàng vào các nước trong Hiệp định, từ đó sẽ làm mất uy tín nghiêm trọng cho DN Việt Nam, làm mất các cơ hội phát triển. Các mặt hàng xuất khẩu chiến lược, có lợi thế theo Hiệp định và phù hợp với năng lực của các DN là: Mặt hàng liên quan đến may mặc; sợi các loại; vải các loại; phụ liệu may và vải điện kỹ thuật, vải làm lốp ôtô. 

Các DN Việt Nam cũng được đánh giá là có sự chuyển dịch nhanh, không phục thuộc vào một thị trường nào; chịu được áp lực thách thức về các khả năng như về giá, chất lượng sản phẩm, cạnh tranh về cơ cấu kiểm soát đánh giá của khách hàng. Ông Giang cũng cảnh báo cho các DN dệt may, một nguyên tắc lớn nhất khi tham gia các Hiệp định là chất lượng. Bên cạnh đó phải chấp nhận một Luật chơi là chịu trách nhiệm đến cùng. Để tận dụng cơ hội khi tham gia Hiệp định, các DN trước hết cần phải nhìn rõ 5 yếu tố quan trọng: Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu mới; chuyển dịch từ phương thức làm hàng gia công, sang phương thức làm hàng OEM, ODM (sản xuất thiết bị gốc, thiết kế gốc); xây dựng một chuỗi liên kết hợp tác; các dự án đầu tư phải đáp ứng theo tiêu chuẩn, yêu cầu của các tổ chức và của khách hàng (gồm nhiều định mức như chỗ ngồi cho người lao động, đáp ứng giờ làm việc...) và đặc biệt là việc đầu tư công nghệ cần phải hiện đại.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas công bố kết quả tình hình sản xuất 6 tháng đầu năm của ngành Dệt May

Cũng tại Hội thảo, Vitas đã công bố kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngành dệt may Việt Nam. Theo đó Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ 2017; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, kim ngạch ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng KNXK cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch. Về thị trường xuất khẩu, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017; các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh là vải, áo thun, áo jacket, váy.../.