Đồng Tháp hướng tới xuất khẩu hàng hóa đạt và vượt 1 tỷ USD

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp có mức tăng trưởng vượt bậc, dự kiến đạt khoảng 990 triệu USD. Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công T

PV: Được biết, Đồng Tháp đang hướng tới giá trị xuất khẩu 01 tỷ USD, vậy xin ông cho biết thế mạnh của Đồng Tháp là gì, làm thế nào để thúc đẩy mục tiêu này?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Qua kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp tăng trưởng tốt, đạt 786 triệu USD (tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2017), dự báo cả năm 2018 kim ngạch đạt 990 triệu USD (vượt 10% so với chỉ tiêu Kế hoạch năm 2018 đề ra và tăng 13% so với thực hiện năm 2017); Kế hoạch năm 2019 là 1 tỷ USD.

Hiện tại, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là gạo và thủy sản chiếm khoảng 85% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, còn có các mặt hàng khác như: Dệt may, da giày, sản phẩm sau gạo (bánh phồng tôm, hủ tiếu, phở...), nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi... Điểm chú ý là mặt hàng trái cây (xoài) được doanh nghiệp của tỉnh tham gia xuất khẩu, mặc dù kim ngạch không cao nhưng đây là tín hiệu khả quan.

Để đạt được kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD như kế hoạch đã đề ra, ngành Công Thương sẽ tập trung một số giải pháp: Tổ chức sản xuất ổn định, nguồn hàng đảm bảo số lượng và chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường, đầu tư, ngân hàng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu; triển khai có hiệu quả nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của Trung ương và địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường.

Ngành Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Đặc biệt, tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để cập nhật thông tin diễn biến thị trường thế giới, tận dụng các FTA mang lại, chủ động ứng phó với các rào cản về thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp (hàng đầu thứ 2 từ phải qua) trong buổi làm việc với đối tác Hàn Quốcông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp (hàng đầu thứ 2 từ phải qua) trong buổi làm việc với đối tác Hàn Quốc

PV: Vậy, xin ông cho biết ngành Công Thương Đồng Tháp đã và đang có những biện pháp gì để giúp doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh hàm lượng chế biến sâu với các mặt hàng chủ lực, nâng cao giá trị hàng hóa của địa phương?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Chúng tôi đã đẩy mạnh các giải pháp như tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại quốc tế trong và ngoài nước, các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng thị trường; Khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện thương mại điện tử, quảng cáo trên Website; xây dựng chiến lược phát triển thị trường của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp các điều kiện của AFTA, WTO và các Hiệp định thương mại khác.

Ngoài ra, nguồn tài chính cũng rất quan trọng, chúng tôi đã sử dụng các nguồn vốn ngân sách đầu tư công của Trung ương và địa phương để ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng trong ngành; thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chiều sâu; thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất, tập trung phát triển các chuỗi ngành hàng chủ lực: cá tra, lương thực, chế biến nông sản; tận dụng tối đa các nguồn vốn tín dụng, hướng dẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi; thực hiện các cơ chế chính hỗ trợ tài chính cho quá trình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế: ISO, HACCP, TQM, BVQI, tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội SA 8000… thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, tìm kiếm hỗ trợ thông tin, xây dựng chương trình hợp tác liên doanh, liên kết với các đơn vị sản xuất trong và ngoài tỉnh.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh gay gắt, các nước sử dụng nhiều biện pháp phi thuế quan áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, ngành Công Thương Đồng Tháp đưa ra những giải pháp gì giúp doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Để duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng với 2 nhiệm vụ không thể thiếu: là sản xuất chế biến ra những sản phẩm hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu; nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước địa phương luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người sản xuất và kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức hành vi sản xuất và kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Sở Công Thương liên tục cập nhật thông tin về những quy định, rào cản của các thị trường, thông qua các website chính thống của Bộ, Ngành Trung ương: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế...người sản xuất và doanh nghiệp.

Phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là về các FTA đã ký kết, cộng đồng kinh tế ASEAN… đến các cơ quan và doanh nghiệp để tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Thăng Long - Vũ Lê (thực hiện)