Kể từ khi cuộc đàm phán cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô giữa NgaẢ-rập Xê-út thất bại vào ngày 6/3/2020, đồng RUB của Nga đã mất gần 20% giá so với đồng USD, đồng tiền chính của thị trường dầu mỏ quốc tế. Sự sụt giảm mạnh của đồng nội tệ so với đồng USD đang giúp Nga có lợi thế hơn trong cuộc chiến giá dầu thô giữa nước này và Ả-rập Xê-út.

Giá dầu thô Brent đã giảm gần 50% kể từ đầu năm đến nay, xuống còn khoảng 26 USD/thùng, kéo theo đó là giá đồng RUB giảm hơn 15% xuống còn 80 RUB/1 USD – mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016. Đồng Riyal của Ả-rập Xê-út hiện ở mức 3,75 Ryial/1 USD.

Báo cáo tài chính của tập đoàn Rosneft, hãng khai thác dầu thô lớn nhất Nga, cho thấy chi phí khai thác dầu thô của hãng đạt mức trung bình 199 RUB/thùng dầu tương đương 3,10 USD/thùng trong năm 2019. Trong khi đó, chi phí khai thác của tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Ả-rập Xê-út Saudi Aramco đạt 10,6 Riyal/thùng dầu tương đương 2,80 USD/thùng trong năm 2019. Saudi Aramco hiện là tập đoàn khai thác dầu thô lớn nhất thế giới xét trên quy mô doanh thu.

Tuy nhiên, dựa trên sự điều chỉnh biến động tỷ giá của đồng RUB và đồng Riyal với đồng USD, hãng tin Reuters cho biết chi phí khai thác trung bình của Rosneft hiện chỉ còn 2,5 USD/thùng, thấp hơn so với mức chi phí khai thác của Saudi Aramco.

Cuộc chiến tổng lực

Nga và Ả-rập Xê-út hiện đang sẵn sàng nâng đang kế mức sản lượng khai thác kể từ ngày 1/4/2020 khi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác kết thúc. Tập đoàn Saudi Aramco cho biết sẽ nâng sản lượng khai thác từ mức 9,7 triệu thùng/ngày như hiện nay lên mức tối đa 12,3 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/4/2020 và có thể lên mức 13 triệu thùng/ngày trong “thời gian nhanh nhất có thể”.

Trong khi đó, Chính phủ Nga cho biết có thể nâng sản lượng khai thác hiện nay thêm 300.000 – 500.000 thùng/ngày kể từ đầu tháng 4/2020. Sản lượng khai thác của Nga hiện đạt 11,3 triệu thùng/ngày.

Khai thác dầu thô tại Nga
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk của tập đoàn Rosneft tại Nga (Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg)

Nga và Ả-rập Xê-út cùng với hơn 20 quốc gia sản xuất dầu thô khác đã cùng thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017 để hỗ trợ giá dầu thô tăng. Tuy nhiên, vị thế hợp tác giữa hai nước đã chuyển sang trạng thái đối đầu kể từ ngày 6/3/2020 sau khi Nga và Ả-rập Xê-út không đạt được thoả thuận tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác hơn nữa nhằm ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô trong bối cảnh đại dịch virus Covid-19 bùng phát, gây suy giảm mạnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.

Theo nhận định của ông Leonid Fedun, đồng sáng lập tập đoàn khai thác dầu thô Lukoil, cuộc chiến giá dầu thô giữa Nga và Ả-rập Xê-út là một cuộc chiến tổng lực, dựa trên năng lực kinh tế và các nguồn dự trữ ngoại tệ cũng như dầu thô, và cuộ chiến giá dầu sẽ chỉ kết thúc khi một bên đã cạn kiệt các nguồn lực. Lukoil hiện là hãng khai thác dầu thô lớn thứ hai tại Nga.

Các dữ liệu cho thấy tập đoàn Saudi Aramco cần giá dầu thô đạt mức 17 USD/thùng để đạt được điểm hoà vốn. Tuy nhiên, để cân bằng được ngân sách quốc gia thì Ả-rập Xê-út cần duy trì mức giá dầu thô ở mức trên 80 USD/thùng, theo tính toán của tập đoàn tài chính Fitch.

Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngành dầu thô đóng góp hơn 40% tổng GDP của Ả-rập Xê-út, gần 70% tổng thu ngân sách và khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Trong khi đó, ngành dầu khí của Nga cần giá dầu thô đạt mức 31,9 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn dựa trên dữ liệu của Cơ quan thống kê Nga (Rosstat). Hiện ngành dầu khí và khí đốt đóng góp hơn 30% tổng GDP của Nga và hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, Nga hiện đang có vị thế tài chính tốt hơn nhiều so với thời điểm xảy ra cuộc chiến giá dầu thô với Ả-rập Xê-út hồi năm 2014. Nga hiện đang sở hữu lượng dự trữ ngoại hối cao kỷ lục với tổng trị giá đạt 570 tỷ USD, cao hơn 100 tỷ USD so với Ả-rập Xê-út.

Bên cạnh đó, Nga duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt hơn so với Ả-rập Xê-út. Chính phủ Nga cũng đã phát tín hiệu cho thấy nước này có thể cho phép đồng nội tệ trượt giá sâu so với đồng USD để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu dầu thô.

Vào ngày 9/3, Bộ Tài chính Nga đã khẳng định nguồn tài sản có tính thanh khoản cao của Quỹ phúc lơi quốc gia Nga và các quỹ khác của nước này hiện đạt 150 tỷ USD tương đương 9,2% tổng GDP và đủ để bù đắp thiệt hại trong trường hợp giá dầu thô giảm xuống còn 25 USD – 30 USD/thùng trong vòng 6 – 10 năm.

Việc giá dầu thô xuống thấp đang gây ảnh hưởng mạnh đến ngành khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của nước này cần giá dầu thô đạt ít nhất 68 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn. Chính phủ Hoa Kỳ đã cho biết sẽ can thiệp vào thị trường dầu thô và đề xuất giải pháp hợp tác với Ả-rập Xê-út trong việc bình ổn thị trường dầu mỏ như thoả thuận cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu thô tăng trở lại.