Dư địa từ hệ thống bán lẻ Petrolimex - quán quân doanh thu trên sàn chứng khoán - còn rất lớn

Giá trị gia tăng từ hệ thống bán lẻ của Petrolimex khiến các nhà đầu tư mã chứng khoán PLX thêm phần “phấn khích” bởi theo đánh giá của Savills và Nielsen, dư địa tăng trưởng của ngành bán lẻ nói chun

Hệ thống cơ sở vật chất hùng hậu

Mới đây Forbes Việt Nam đã vinh danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là Quán quân doanh thu trong danh sách “50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” năm 2018. Đây là lần thứ 2 Forbes Việt Nam xếp hạng Petrolimex trong Top 50 kể từ khi Tập đoàn này với mã chứng khoán PLX chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM tháng 4 năm trước.

Với doanh thu năm 2017 gần 154 ngàn tỷ đồng (số tròn), Petrolimex vượt xa các đại gia thuộc nhóm dẫn đầu trong Top 50. Cụ thể, gấp từ 2 đến 3 lần so với Vingroup 89 ngàn tỷ đồng, Vinamilk 51 ngàn tỷ đồng, Hòa Phát 46 ngàn tỷ đồng, Vietjet và FPT cùng 42 ngàn tỷ đồng...

Theo thống kê của Forbes Việt Nam, Top 50 công ty năm nay chiếm giá trị vốn hóa 70,8% vốn hóa hai sàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tổng lợi nhuận của các công ty trong danh sách đạt 106.949 tỉ đồng, tăng 34% so với năm trước.

Để xếp hạng, Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp của Forbes Hoa Kỳ, bao gồm:

- Báo cáo tài chính đã kiểm toán của 5 năm liên tiếp

- Thương hiệu

- Chất lượng quản trị doanh nghiệp

- Nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ

- Triển vọng phát triển bền vững.

Các công ty nhiều lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của hai sở giao dịch chứng khoán, có nghi vấn thao túng giá cổ phiếu hoặc có dấu hiệu kém minh bạch sẽ bị loại.

Petrolimex được ghi điểm là nhà phân phối xăng dầu chiếm gần 50% thị phần với hai kênh phân phối bán buôn và bán lẻ thông qua hệ thống cửa hàng thương hiệu Petrolimex. Trong đó mảng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng tốt qua các năm, chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng hiện tại của Tập đoàn. Mảng bán buôn ở mức ổn định. So với hai đối thủ kế tiếp, Petrolimex có lợi thế hơn hẳn các công ty đối thủ cạnh tranh như PV Oil và công ty Xăng dầu Quân đội về uy tín, cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới.

Xét về cục diện tương quan, rất khó để một đối thủ kế tiếp có thể đuổi kịp Petrolimex về hệ thống cơ sở vật chất đã được xây dựng hơn 60 năm qua, với hệ thống kho hàng có sức chứa tới 2,2 triệu m3, trên 5.000 điểm bán lẻ, trong đó hơn một nửa là cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc Tập đoàn. Đồng thời, còn là đơn vị duy nhất trên thị trường có kho ngoại quan và hệ thống đường ống vận chuyển xăng dầu dài gần 600 km.

Trông chờ vào giá trị gia tăng

Đặc biệt, bên cạnh kinh doanh xăng dầu, Petrolimex còn dư địa tăng trưởng từ các mô hình dịch vụ giá trị gia tăng qua hệ thống bán lẻ xăng dầu - đây là điểm được các nhà đầu tư mã chứng khoán PLX hết sức quan tâm, trông chờ.

Giá trị gia tăng đến từ mạng lưới bán lẻ xăng dầu xuất phát từ cấu trúc hệ thống. Petrolimex nắm trong tay một số lượng lớn các đơn vị thành viên, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ cho mảng xăng dầu như đội tàu vận tải biển, logistics, xây lắp xăng dầu… không chỉ đóng góp vào doanh thu rất lớn cho Petrolimex với tỷ lệ 40%; mà còn góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho mỗi cây xăng trong hệ thống Petrolimex bằng các sản phẩm của mình như dầu mỡ nhờn, nước giặt, gas, sơn, bảo hiểm...

Siêu thị PLX Mart tại Quy Nhơn, Bình Định

Giá trị gia tăng đến từ sự hợp tác. Khoảng từ 2014 tại TP. Hồ Chí Minh, Petrolimex Khu vực II đã triển khai chuỗi cửa hàng thuốc tân dược, chuỗi rửa xe thông minh, chuỗi cửa hàng tiện ích… tại một số CHXD của mình. Hiện tại, đã có dịch vụ tích hợp cho khoảng 30 cây xăng của Petrolimex Khu vực II thông qua hình thức cho thuê mặt bằng với các chuỗi bán lẻ có thương hiệu như: Vietwash, Family Mart, PharmaCity, Dunkin’s Donut, Food&Drink…

Petrolimex Hà Nội đang từng bước hình thành chuỗi các siêu thị mini, bách hóa tự chọn bên cạnh cửa hàng xăng dầu. Hiện đang thí điểm mô hình này tại Cửa hàng xăng dầu số 60 tại Đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, và hợp tác với Hapro mở siêu thị tại 26 Đức Giang, Long Biên, Hà Nội. Ở Bình Định thì có “Siêu thị PLX Mart”...

Giá trị gia tăng từ hệ thống bán lẻ của Petrolimex khiến các nhà đầu tư mã chứng khoán PLX thêm phần “phấn khích” bởi theo đánh giá của Savills và Nielsen, dư địa tăng trưởng của ngành bán lẻ nói chung và mô hình cửa hàng tiện lợi vẫn còn rất lớn trong 10 năm tới đối với thị trường gần 100 triệu dân như Việt Nam.