Đức thông qua dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Ngày 27/3, giới chức Đức đã đưa ra quyết định cuối cùng cho việc cấp phép xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) giữa nước này với Nga.

Đây là động thái có thể khiến quan hệ giữa Đức và nhiều nước láng giềng ở phía Đông trở nên căng thẳng khi những nước này lo ngại nguồn năng lượng của châu Âu sẽ phải phụ thuộc nhiều vào Moskva.

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 8/11/2011. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, giới chức Đức cho biết, Cơ quan Thủy văn và Hàng hải Liên bang (BSH) đã chấp thuận việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt mới này sau khi tiến hành điều tra những ảnh hưởng của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đối với thương mại và môi trường ở Đức.

Như vậy với quyết định trên, Berlin được cho là đã chính thức chấp thuận việc cấp phép xây dựng và khởi công dự án mới này tại Đức. Tuy nhiên, để có thể triển khai đầy đủ thì dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 này vẫn cần phải có sự chấp thuận của Nga, Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển.
Trước đó, nhiều đảng tại Đức, trong đó có đảng Xanh theo xu hướng bảo vệ môi trường và đảng Dân chủ Tự do, đã lên tiếng phản đối việc tiếp tục triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Đức. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà tin tưởng rằng đây là một dự án kinh tế đơn thuần, không cần thiết có sự can thiệp chính trị.
Dòng chảy phương Bắc 2 có chiều dài 1.225 km, xuất phát từ Vịnh Narva thuộc khu vực biên giới giữa Nga và Estonia tới Lubmin, Đông Bắc nước Đức, trong đó có 85 km đường ống chạy bên trong lãnh thổ Đức. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đặt mục tiêu hàng năm sẽ cung cấp 55 tỷ m3 khí tự nhiên của Nga cho Liên minh châu Âu (EU) thông qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine.
Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) hiện tại trước khi rẽ nhánh. Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine, do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.


Theo Bnews