Đức: Thử nghiệm phát lương cơ bản toàn dân trong 3 năm

Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức bắt đầu thử nghiệm việc phát lương cơ bản toàn dân trong 3 năm nhằm đánh giá tác động của việc này đến đời sống và nền kinh tế. Trước đó, Phần Lan cũng đã tiến hành thử nghiệm phát tiền và Tây Ban Nha cho biết đang xem xét ý tưởng tương tự.
Người dân Đức
 Việc phát tiền lương toàn dân tại Đức sẽ được thử nghiệm trong 3 năm nhằm đánh giá tác động của việc này đến đời sống và nền kinh tế (Ảnh: Reuters)

Tờ Business Insider (Hoa Kỳ) cho biết Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức bắt đầu thử nghiệm việc phát lương cơ bản toàn dân trong 3 năm nhằm đánh giá tác động của việc này đến đời sống và nền kinh tế. Theo đó, 120 tình nguyện viên sẽ được phát 1.200 EUR (tương đương 1.430 USD)/tháng trong vòng 3 năm. Số tiền này chỉ cao hơn không đáng kể so với mức đói nghèo tại Đức. Các nhà nghiên cứu sẽ so sánh trải nghiệm của những tình nguyện viên được nhận tiền so với một nhóm khác gồm 1.380 người không được nhận tiền.

Toàn bộ người tham gia sẽ được yêu cầu hoàn thành khảo sát về đời sống, công việc và trạng thái cảm xúc của họ để đánh giá tác động của việc nhận lương cơ bản. Phát lương cơ bản toàn dân là việc chính phủ trả một khoản tiền cho từng công dân, thường khoản trả này được thực hiện mỗi tháng 1 lần, không tính đến thu nhập và tình trạng công việc của người được nhận. Khoản tiền lương cơ bản này sẽ thay thế cho các khoản trợ cấp.

Những người ủng hộ ý tưởng phát lương toàn dân cho rằng điều này sẽ làm giảm bất bình đẳng và cải thiện đời sống bằng cách giúp mọi người an toàn hơn về tài chính. Trong khi đó, những người phản đối lo ngại ý tưởng này quá tốn kém và không khuyến khích người nhận tiền làm việc. Việc phát lương toàn dân đang thu hút sự quan tâm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang ngày càng gia tăng tại một số quốc gia phương Tây.

Ông Jürgen Schupp, người đứng đầu nghiên cứu tại Đức, cho biết chương trình thử nghiệm mới sẽ làm giảm tranh cãi về việc phát lương cơ bản toàn dân nhờ đưa ra những bằng chứng khoa học mới.

Trước Đức, Phần Lan cũng đã thử nghiệm hình thức phát lương cơ bản trong gần hai năm, từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018, với 2.000 người thất nghiệp được nhận 560 EUR/tháng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đứng sau thử nghiệm kết luận rằng dù giúp những người thất nghiệp cảm thấy hạnh phúc hơn, biện pháp này không làm gia tăng việc làm.

Hồi tháng 4/2020, Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calviño cho biết chính phủ nước này đang xem xét kế hoạch phát tiền lương cho người dân như là một biện pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo bà Nadia Calviño, việc cung cấp cho người dân tiền nhằm đảm bảo thu nhập cơ bản của họ và chủ yếu hướng đến các hộ gia đình, mức tiền lương mỗi hộ nhận được sẽ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của họ. 

Quang Đặng (Tham khảo Business Insider)