Đứng trước cách mạng 4.0, các làng nghề cần làm gì để thích ứng?

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, các làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Chiều 18/10/2018, tại Hà Nội, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với làng nghề trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nôi nhận định, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô và của đất nước như làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh thêu Quất Động...

Hội thảo quốc tế "Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các làng nghề" thu hút đông đảo sự quan tâm của các cơ sở, sản xuất, kinh doanh tại các làng nghềHội thảo quốc tế "Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các làng nghề" thu hút đông đảo sự quan tâm của các cơ sở, sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề, chiếm gần 30% tổng số làng nghề cả nước, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm (theo số liệu năm 2017).

Dựa vào con số này có thể thấy, hiện nay, làng nghề Hà Nội đang đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thủ đô và rất cần được duy trì, phát triển để có thể phát huy tối đa những vai trò không thể thay thế được của nó.

“Tuy nhiên, để các làng nghề phát triển ổn định, bền vững, ngoài việc chú trọng mẫu mã, nâng chất cho các sản phẩm thì vấn đề môi trường là yếu tố vô cùng quan trọng. Phát triển làng nghề bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, chỉ ra những thách thức và thuận lợi của cuộc cách mạng 4.0 đối với các làng nghề Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, cách mạng 4.0 vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các làng nghề Việt Nam.

Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho các làng nghề Việt Nam. Thứ nhất là tạo ra áp lực để hay đổi, làng nghề vốn hoạt động theo lối sản xuất, kinh doanh theo kinh nghiệm “cha truyền con nối”, trước tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc cách mạng 4.0, các làng nghề sẽ buộc phải thay đổi tư duy, thay đổi phương thức kinh doanh để tồn tại.

Thứ hai, các làng nghề có thể và có điều kiện tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển thương mại điện tử sẽ mở ra kênh bán hàng mới của làng nghề và doanh nghiệp, nhất là kênh bán hàng trực tuyến... PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc nói.

Ngoài việc nâng cao tay nghề cho các công nhân, lao động các làng nghề cần cải tiến mẫu mã, ứng dụng công nghệ để bắt kịp cuộc cách mạng 4.0Ngoài việc nâng cao tay nghề cho các công nhân, lao động các làng nghề cần cải tiến mẫu mã, ứng dụng công nghệ để bắt kịp cuộc cách mạng 4.0

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc cũng chỉ ra những thách thức, tác động tiêu cực từ sự tụt hậu về công nghệ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, dẫn đến suy giảm sản xuất kinh doanh, dư thừa lao động, có kỹ năng và trình độ thấp, phá vỡ thị trường lao động truyền thống, dẫn đến phá sản hàng loạt các làng nghề yếu kém.

Đồng quan điểm về vấn đề này, TS Trần Đoàn Kim, Giảng viên Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng 4.0 sẽ mang lại rất nhiều thách thức đối với các làng nghề Việt Nam, đặc biệt là đối với những làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo ông, làng nghề thủ công mỹ nghệ có sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu theo những đơn đặt hàng lớn, họ thường gặp vấn đề về khả năng đáp ứng theo yêu cầu của những đơn hàng này bởi do tính nhỏ lẻ, manh mún nên người bán thường ký hợp đồng thu mua, gom hàng từ nhiều hộ sản xuất trong làng nghề dẫn đến sự thiếu đồng nhất về mẫu mã, chất lượng sản phẩm...

Đặc biệt, hiện nay, ở các làng nghề, hầu hết là chưa quy hoạch phát triển sản phẩm, thị trường mục tiêu rõ ràng để có chiến lược marketing phù hợp với từng thị trường mục tiêu. Thêm vào đó là năng lực sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới của hầu hết các làng nghề truyền thống là rất yếu, chủ yếu là sản xuất theo mẫu mã truyền thống và làm theo đơn đặt hàng của nước ngoài, do vậy tình trạng copy mẫu mã tràn lan tại các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Kiến nghị đưa ra những giải pháp để thúc đẩy, định hướng phát triển các làng nghề trong cuộc cách mạng 4.0, TS Trần Đoàn Kim đề xuất, các làng nghề cần nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ tự động hóa để gia tăng mức độ đồng nhất của sản phẩm và rút ngắn thời gian sản xuất, tiết giảm chi phí, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp trong làng nghề có nhà máy hoặc xưởng sản xuất ở quy mô công nghiệp.

Ngoài ra, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề cần liên kết với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng quy mô sản xuất cho các doanh nghiệp.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, các làng nghề cần loại bỏ các sản phẩm truyền thống hiện có của làng nghề nhưng không phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đồng thời phải sáng tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với xu thế tiêu dùng của thời đại.

Quan trọng nhất, các làng nghề cần mở rộng sản xuất đủ điều kiện sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, chuyên ngành quản lý sản xuất.

Bên cạnh đó, các làng nghề cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hoạt động: xúc tiến tương mại, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, xử lý môi trường, cải tiến công nghệ, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng... PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc đề xuất.

Phương Thúy