Duy trì đà cải cách trong bối cảnh dịch bệnh

Đẩy mạnh cải cách để phù hợp với người dân, doanh nghiệp, phát triển bền vững và bao trùm hơn, tăng cường tính chống chịu trước những khó khăn, thách thức trong tương lai.
duy trì đà cải cách
Việt Nam duy trì đà cải cách ngay cả trong những thách thức và khó khăn.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những tác động khác nhau tới nền kinh tế toàn cầu và toàn khu vực, việc tăng cường thực hiện chiến lược của APEC về cải cách cơ cấu trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết để đẩy mạnh phát triển bền vững, đổi mới, an toàn và cải thiện khả năng chống chịu trong thời gian tới cho các nền kinh tế APEC.

Ngoài ra, việc xem xét những giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường cũng là điều cần thiết.

Việt Nam hiện đang triển khai những chương trình, sáng kiến mới hướng tới phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn 2021-2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Từ những kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, nỗ lực duy trì đà cải cách ngay cả trong những thách thức và khó khăn sẽ phát huy tác động tích cực nhất đối với quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang thực hiện, nghiên cứu điều chỉnh và thúc đẩy các sáng kiến cải cách hướng tới tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu gây ra các hệ lụy tiêu cực, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, xây dựng các ý tưởng, sáng kiến mới như Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình phát triển kinh tế có sức chống chịu với biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển hạ tầng xanh và áp dụng công nghệ để thúc đẩy nền kinh tế số và bền vững môi trường của Hồng Kông - Trung Quốc; những nỗ lực trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và giảm thiểu rác thải đại dương và các hộ gia đình của In-đô-nê-xi-a; hay hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế xanh của Nhật Bản.. là những kinh nghiệm tốt trong cải cách cơ cấu cho các nước đang phát triển và phát triển.

Chương trình Nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu (EAASR), hướng tới đóng góp mục tiêu tổng thể của APEC về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, cân bằng, bao trùm, sáng tạo và bền vững bằng cách tạo môi trường thuận lợi cho thị trường mở, minh bạch và cạnh tranh; thúc đẩy phục hồi kinh doanh và khả năng chống chịu các cú sốc trong tương lại; đảm bảo các nhóm trong xã hội tiếp cận bình đằng với các cơ hội hướng tới tăng trường bền vững hơn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và kỹ năng mới để cải thiện năng suất và mức độ số hóa.

Nam Trực