EU tích cực đa dạng hoá nguồn cung khí đốt, giảm phụ thuộc vào Nga

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang thảo luận với các đối tác về khả năng tăng cường nguồn cung khí đốt cho khối này trong bối cảnh nguồn cung từ Nga sụt giảm mạnh, đẩy giá khí đốt trong khu vực tăng cao trở lại.

Kết thúc phiên họp giữa các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu tại Pháp vào ngày 22/1, bà Kadri Simson, Ủy viên phụ trách vấn đề Năng lượng thuộc Uỷ ban châu Âu (EC), cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về tình trạng bất ổn trên thị trường năng lượng do các căng thẳng giữa Nga và Ukraine gây ra và sự sụt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt từ Nga cho EU trong những tháng gần đây.

Khoảng 35% tổng lượng khí đốt hiện được EU nhập khẩu là đến từ Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc trung chuyển khí đốt từ Nga sang EU. Dữ liệu cho thấy sản lượng khí đốt đi qua vùng Velke Kapusany (Slovakia) – khu vực phân phối khí đốt đến các nước châu Âu sau khi được chuyển từ Nga đến Ukraine, đã giảm đến 70% trong những ngày gần đây. Điều này đã khiến giá khí đốt giao tháng 2/2022 tại châu Âu tăng mạnh trở lại.

tàu chở khí LNG
Trong những tuần gần đây, EU đã nhận được thêm nhiều lô khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), bao gồm các lô khí đến từ các đối tác mới như Indonesia (Ảnh: EURACTIV.com)

Hiện lượng khí đốt dự trữ của EU đang thấp hơn đáng kể so với mức trung bình vào cùng thời điểm này trong năm. Cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung khí đốt tại Châu Âu trong những tháng vừa qua đã đẩy giá mặt hàng năng lượng này lên mức cao kỷ lục. Bà Kadri Simson cho biết EU đang thảo luận với các đối tác về khả năng tăng cường nguồn cung khí đốt cho khối này.

Theo bà Kadri Simson, khu vực châu Âu có một cơ sở hạ tầng khí đốt mạnh mẽ, đa dạng và có khả năng phục hồi tốt cùng tính đoàn kết trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng chính phủ các nước thành viên cần hết sức cảnh giác, nâng cao khả năng sẵn sàng đối phó với rủi ro và củng cố tình đoàn kết trong nội bộ khối EU.

Ngoài ra, bà Kadri Simson cũng nhấn mạnh một dự thảo được trình lên vào tháng 12/2021, trong đó bao gồm đề xuất sửa đổi các quy định cung cấp khí đốt nhằm cải thiện sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên trong việc lưu trữ nguồn năng lượng này.

Mục tiêu của đề xuất này là cho phép sử dụng hiệu quả hơn khả năng lưu trữ và đảm bảo lượng khí dự trữ đầy đủ cho châu Âu. Song bà Kadri Simson cũng nhấn mạnh giải pháp lâu dài duy nhất cho tình trạng phụ thuộc quá lớn của EU vào nhiên liệu hóa thạch là hoàn thành quá trình chuyển đổi xanh.

Minh Trang