EU vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam

Tôm chân trắng là sản phẩm chủ đạo XK sang EU, chiếm tỷ trọng áp đảo 82% tổng các sản phẩm tôm xuất sang EU.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), bước sang năm 2019, xuất khẩu tôm sang EU vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm. Hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 76,6 triệu USD, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

EU vẫn là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,5% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường. Năm 2018, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 838,3 triệu USD, giảm 2,8%.

XK tôm sang EU tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2018 và có xu hướng giảm trong nửa cuối năm. Hai tháng đầu năm 2019, XK tôm sang EU vẫn chưa đảo chiều đi lên.

XK tôm sang EU giảm một phần do nguồn cung tôm thế giới tăng, kéo giá tôm XK giảm, những xáo trộn về kinh tế, chính trị đang diễn ra tại EU cũng tác động tới xuất nhập khẩu tôm tại thị trường này.

Tôm chân trắng là sản phẩm chủ đạo XK sang EU, chiếm tỷ trọng áp đảo 82% tổng các sản phẩm tôm xuất sang EU.

Anh, Hà Lan, Đức là 3 thị trường NK lớn nhất trong khối EU. XK sang Anh 2 tháng đầu năm 2019 tăng 5% trong khi XK sang Đức và Hà Lan giảm lần lượt 16,6% và 47,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khối EU, Anh đang là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 33% tổng XK tôm của Việt Nam sang EU và chiếm 6,7% tổng XK tôm Việt Nam đi tất cả các thị trường. Hai tháng đầu năm 2019, XK tôm sang Anh đạt 25,2 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Nửa cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, XK tôm Việt Nam sang Anh không ổn định do tác động từ sự kiện Brexit vẫn chưa đi đến hồi kết. Sự kiện này phần nào làm xáo trộn tình hình XNK hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Anh.

NK tôm nước ấm của Anh vẫn tăng nhờ có giá phải chăng để thay thế cho tôm nước lạnh. Giá tôm nước lạnh ngày càng tăng do các nước khai thác chính liên tục cắt giảm hạn ngạch khiến sản lượng sụt giảm.

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), năm 2018, NK tôm của Anh đạt 875,2 triệu USD, giảm 0,1% so với năm 2017. Việt Nam, Ấn Độ và Canada là 3 nguồn cung tôm chính cho Anh lần lượt chiếm 20,3%, 17,7% và 9,7% tổng giá trị NK tôm của Anh.

Anh là một thị trường đáng lưu tâm của DN XK tôm Việt Nam trong khối EU vì DN XK sang thị trường này được hưởng ưu đãi về thuế GSP giống như quy định chung trong XK sang EU. Mặt hàng tôm chế biến xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường Anh đang có lợi thế cao hơn về giá bán và chất lượng so với hàng của Ấn Độ, Bangladesh.

Đức là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Việt Nam trong khối EU, chiếm 3,8% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam đi các thị trường. XK tôm Việt Nam sang Đức 2 tháng đầu năm 2019 đạt 14,3 triệu USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Năm 2018, theo ITC, NK tôm của Đức đạt 642,9 triệu USD, tăng 1,24% so với năm 2017. Hà Lan và Việt Nam là 2 nguồn cung tôm chính cho Đức. Đức NK tôm không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn để chế biến XK sang các nước trong khối EU.

Tuy giá trị XK giảm trong 2 tháng đầu năm nhưng với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm nay cộng với những lợi thế về thuế quan mà các đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ và Thái Lan không có, EU vẫn được coi là thị trường tỷ đô trọng điểm của XK tôm Việt Nam trong năm 2019. 

Bảo An