EVFTA: Băng qua 2 trở ngại tiến vào thị trường 500 triệu dân

Với EVFTA, Việt Nam trở thành nước tham gia FTA nhiều nhất thế giới. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ nhất của một Việt Nam sẵn sàng hội nhập, tham gia 16 FTAs, trong đó 12 Hiệp định đã có hiệu lực.

"Kỳ diệu" nhờ chủ động tham gia FTA

15 năm trước, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội, tháng 10 năm 2004, Việt Nam và EU đã thảo luận và đi đến thống nhất một lộ trình 2 bước để hướng tới hợp tác giữa hai bên thông qua các bước hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Bước đầu tiên, EU hỗ trợ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bước thứ hai, đi đến một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai bên.

bo truong tran tuan anh
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström tại buổi làm việc đi đến kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý EVFTA

 

Nhưng đến trước lễ ký kết EVFTA một tuần, mạng Bloomberg (Mỹ) đã nhận định Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, từ một quốc gia chỉ xuất khẩu dầu thô, cà phê và giày dép đã trở thành một trung tâm sản xuất, một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới các liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới nhờ tham gia vào nhiều FTA. Viện Brookings Institution (Mỹ) gọi đất nước hình chữ S với cụm từ “điều kỳ diệu Việt Nam” nhờ chủ động tham gia các FTA và xứng đáng gặt hái thành quả tăng trưởng ấn tượng ngay cả khi nền thương mại toàn cầu đang bị đình trệ.

Để có được thành tựu này, Việt Nam đã bước một bước rất dài từ nhận hỗ trợ của châu Âu gia nhập WTO đến chủ động đàm phán tham gia các FTA đa phương và song phương. Trong các hiệp định Việt Nam tham gia, không có FTA nào nhiều kịch tính hơn CPTPP; cũng không có FTA nào (cho đến thời điểm đó) Việt Nam phải “xắn tay áo” vào giải quyết như CPTPP (cho đến thời điểm đó).

TPP được ký kết ngày 4/2/2016 tại New Zealand. Nhưng đến 23/1/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cho phép Mỹ rời TPP. Việt Nam cùng với Nhật Bản là 2 thành viên năng động nhất trong vận động các nước còn lại nhanh chóng tái khởi động TPP vào tháng 5/2017. 6 tháng sau, tháng 11 năm 2017 các bộ trưởng có cuộc hội đàm tại Đà Nẵng. Sau cuộc đàm phán kéo dài đến 10h đêm ngày 9/11, nhiều bộ trưởng cho biết đã đồng ý về mặt nguyên tắc đối với thỏa thuận TPP-11. Theo kế hoạch, vào lúc 13h45 ngày hôm sau 10/11, lãnh đạo 11 nước TPP sẽ gặp mặt để chốt những vấn đề cụ thể. Nhưng vào phút chót, cuộc họp không diễn ra do Thủ tướng Canada không đến dự. Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe giải thích: “Phía Canada hôm nay nói họ chưa đạt đến giai đoạn mà lãnh đạo của họ có thể xác nhận thỏa thuận giữa các bộ trưởng”.

Tưởng chừng tương lai của TPP có thể rơi vào tình trạng bất định sau sự cố này, nhưng với sự dẫn dắt của Việt Nam và Nhật Bản, đến nửa đêm ngày 10/11 Canada đã nhất trí với thoả thuận về “những phần cốt lõi” cho hiệp định TPP-11. 11h trưa ngày 11/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Chính sách Kinh tế Tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi đồng chủ trì cuộc họp báo cho biết, các Bộ trưởng đã thống nhất một số nội dung quan trọng; và thống nhất tên gọi mới của TPP gồm 11 nước thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là CPTPP).

Để đi đến ngày 8/3/2018, 11 nước thành viên ký kết chính thức CPTPP, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam  đã nhiều lần gặp gỡ với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Seko Hiroshige vào tháng 4 năm 2017 tại Tokyo, tháng 9 tại Hà Nội và tháng 11 tại Đà Nẵng. Ông cũng gặp Bộ trưởng phụ trách tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tháng 12/2017; tiếp đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam… để cùng với các đồng sự Nhật Bản thúc đẩy một không gian hợp tác mới, trong bối cảnh không có Hoa Kỳ.

Thuyết phục bằng nỗ lực của Việt Nam

Đến EVFTA, có phần còn kịch tính hơn CPTPP. Đàm phán EVFTA được hai bên thống nhất kết thúc cơ bản sau phiên đàm phán thứ 14 diễn ra vào tháng 7 năm 2015. Nhưng việc rà soát pháp lý sau đó khá kéo dài. Lý do… ở trên trời rơi xuống. Đầu tiên, FTA giữa EU và Singapore (ESFTA) được kết thúc nhưng do các cuộc biểu tình ở châu Âu chống lại các thỏa thuận thương mại được cho là “quá mở” nên ESFTA được gửi tới Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) phán quyết. Vụ việc trên khiến EVFTA mất thời gian lâu hơn dự kiến để chờ đợi phán quyết của tòa án. Đến 2017, ECJ yêu cầu tách ESFTA thành 2 hiệp định Tự do Thương mại và Bảo hộ đầu tư. Theo tiền lệ này, EVFTA cũng phải tách thành 2 hiệp định tương tự về thương mại (EVFTA) và đầu tư (IPA).

Cái khó của việc tách này không đơn thuần là thao tác kỹ thuật vì giữa hai hiệp định có mối ràng buộc rất chặt chẽ với nhau. Trong EVFTA có những nội dung liên quan đến đầu tư, và  trong IPA lại có nội dung liên quan đến thương mại). Nếu quan sát, ta sẽ thấy trong năm 2017 và năm 2018 liên tục có các đoàn của lãnh đạo Bộ Công Thương và chuyên viên bay sang EU, chính là để cùng với EU sắp xếp EVFTA và IPA sao cho hợp lý, không bị chồng chéo nhau.

Cùng với đó, lại xuất hiện lý do thứ hai cùng từ... trên trời rơi xuống.  Đó là trở ngại từ quá khứ, EU là một bên trong ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhưng sau đó không thực thi được, nên giờ 28 thành viên EU muốn đảm bảo mọi thứ để thỏa thuận thực sự hiệu quả. Để toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU chấp nhận EVFTA, các nhà đàm phán EU phải lấy chính nỗ lực của Việt Nam làm cơ sở thuyết phục.

Nỗ lực của Việt Nam nằm ở chỗ: là địa điểm thu hút FDI rất lớn tại châu Á, EU giữ vị trí thứ 5 trong danh sách đầu tư FDI vào Việt Nam; Việt Nam là một trong số ít nước có rất nhiều thỏa thuận thương mại tự do; Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào EU trong Đông Nam Á…

Hà Tiên