EVFTA tạo dư địa cho xuất khẩu

Dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo nhiều dư địa tăng trưởng cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Doanh nghiệp chủ động

Không tránh khỏi ảnh hưởng chung của Covid-19, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang thị trường EU chỉ đạt 10,75 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, cơ hội cho xuất khẩu tăng trưởng trở lại được nhìn thấy rõ khi EVFTA dự kiến được Quốc hội phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực từ tháng 7/2020.

Việc EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đặc biệt với những ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông - thủy sản... Với các cam kết toàn diện và thực chất về mở cửa thị trường hàng hóa, EVFTA được dự báo sẽ là một cú huých lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.

Đánh giá triển vọng xuất khẩu nhờ cú hích EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) khẳng định, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

“EVFTA đi vào thực thi sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Hiện nay, các nước đều đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh đối phó với những thay đổi của đại dịch Covid-19, xu hướng này diễn ra mạnh hơn và đó chính là cơ hội cho Việt Nam”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Ngành dệt may mỗi năm xuất khẩu gần 5 tỷ USD sang EU. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có thêm thị phần nhờ EVFTA đi vào thực thi. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, mặt hàng dệt may sẽ được giảm ngay 42,5% số dòng thuế khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Với quy mô nhập khẩu 280 tỷ USD hàng dệt may mỗi năm, thị phần của Việt Nam hiện rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của EU. Do đó, thị trường EU còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, Tổng công ty May Đồng Nai - Công ty cổ phần (Donagamex) là doanh nghiệp vừa làm vải, vừa gia công xuất khẩu hàng may mặc sang nhiều thị trường lớn, trong đó có EU và đã thiết lập chuỗi cung ứng tại chỗ thông qua việc sử dụng vải của các doanh nghiệp trong hệ thống của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Với EVFTA, tới đây, doanh nghiệp này sẽ tìm nhà cung ứng từ các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU để tận dụng ưu đãi. Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Donagamex xác nhận, Công ty sẽ liên kết mạnh với các nhà cung ứng vải thuộc Vinatex và cả các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam để chủ động nguồn vải.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng tăng được nguồn cung vải từ thị trường nội địa để tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi tại EU khi EVFTA có hiệu lực. Ông Nguyễn Văn Thời, Tổng giám đốc TNG khẳng định, nguồn cung vải của TNG vẫn đang được gia tăng để tận dụng tối đa lợi thế từ FTA, trong đó có EVFTA.

“Trước mắt, ngay cả khi chưa thể đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế, thì tác động tích cực của EVFTA với ngành dệt may là FTA này tạo động lực để các nhà nhập khẩu EU tăng đặt hàng từ Việt Nam, từ đó có thể gia tăng xuất khẩu so với khi chưa có FTA”, ông Thời phân tích.

EVFTA tạo dư địa cho xuất khẩu
EVFTA đi vào thực thi sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi

Đối tác tốt trong EVFTA

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khác với nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ có Mexico là thị trường truyền thống cung ứng, EU không có một nền kinh tế nào ở gần để đáp ứng nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng mới. Vì vậy, EU đã lựa chọn một số thị trường khác nhau để kết nối thông qua các FTA.

Với tư cách là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực có FTA với EU, Việt Nam ở vị trí rất tốt để là một trong những nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng mới thông qua xây dựng chuỗi cung ứng bền vững kết nối hai bên.

“Việt Nam chắc chắn sẽ là đối tác tin cậy, đủ khả năng, đủ sức cạnh tranh để cung cấp hàng hóa cho EU. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các mặt hàng như trang thiết bị y tế mà rất nhiều nước hạn chế xuất khẩu, thì Việt Nam đã thể hiện là một đối tác tin cậy”, ông Thái nhấn mạnh.

Khi đi vào thực thi, EVFTA sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào một số thị trường và nâng tầm Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước mắt, EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm nay và những năm tới. Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Sáng 20/5, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do COVID-19 thời gian vừa qua; đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Báo Đầu tư