EVNHCMC là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được nhận Chứng chỉ Bình đẳng giới – EDGE Certificate

Ngày 14/11/2018, EVNHCMC vinh dự được nhận Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu – EDGE Certificate.

Đây là chứng chỉ chứng nhận Tổng công ty đã cam kết thực hiện việc duy trì bình đẳng giới trong nguồn nhân lực, tích cực quản lý sự bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ, thực hiện một cách hiệu quả các chính sách và hành động về bình đẳng giới.

EVNHCMC là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhận được chứng chỉ này. Từ tháng 2/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tích cực tham gia và là một thành viên sáng lập của Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ - Vietnam Business Coalition for Women’s Empowerment – VBCWE. EVN thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường bình đẳng giới và phát triển quyền năng phụ nữ trong EVN và các đơn vị thành viên. EVN cũng đã phối hợp với VBCWE mời EDGE khảo sát, đánh giá chính sách và thực thi bình đẳng giới tại EVNHCMC.

EDGE đã thực hiện việc khảo sát đánh giá theo quy trình 4 bước và khung đánh giá dựa trên 3 nguồn thông tin. Đó là đánh giá dựa trên sự đa dạng giới, bình đẳng tiền lương, tính hiệu quả của các chính sách và thực tế, tính bao trùm của văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời, so sánh tuyệt đối dựa trên các tiêu chuẩn EDGE và so sánh tương đối với các công ty khác trên thị trường. 3 nguồn thông tin phục vụ việc đánh giá là dự liệu công ty liên quan đến bình đẳng giới, các chính sách và hành động được thực hiện để hình thành cơ sở bình đẳng giới, khảo sát nhân viên để nắm trải nghiệm và nhận thức về bình đẳng giới nơi công sở.

EDGE đã thực hiện việc khảo sát nhân viên bằng cách gửi bảng khảo sát và nhận trả lời trực tiếp từ cán bộ nhân viên EVNHCMC qua kênh trực tuyến. 100% cán bộ nhân viên EVNHCMC đã tham gia khảo sát.

Toàn bộ quá trình được FLOCert (Đức) – đơn vị kiểm toán độc lập – thực hiện từ tháng 8/2018 và ngày 14/11/2018 đã cấp Chứng nhận Bình đẳng giới toàn cầu – EDGE Certificate cho Tổng công ty Điện lực TPHCM.

EDGE (Economic Dividends for Gender Equality - Lợi ích Kinh tế từ Bình đẳng giới) là một phương pháp đánh giá và là chứng chỉ tiêu chuẩn kinh doanh hàng đầu về bình đẳng giới.

EDGE giúp xác định vị trí của công ty ở đâu trên thang đo về bình đẳng giới trong nguồn nhân lực, tiền lương, độ hiệu quả của chính sách và thực hành từ đó đảm bảo tiến trình phát triển sự nghiệp bình đẳng giới trong công ty, cũng như sự đa dạng và bao trùm trong văn hóa doanh nghiệp.

Ra đời từ Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011, Chứng chỉ EDGE được thiết kế nhằm giúp các công ty không chỉ xây dựng môi trường làm việc tối ưu cho cả nam và nữ, mà còn được hưởng lợi ích từ môi trường đó. EDGE hiện hợp tác với gần 200 tổ chức trong 23 ngành công nghiệp khác nhau tại 50 quốc gia trên toàn thế giới.

Với việc là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam tham gia và được cấp Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu – EDGE Certificate, cho thấy Tổng công ty Điện lực TPHCM nói riêng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung đã tích cực quản lý sự bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ, đã ban hành và thực hiện một cách hiệu quả các chính sách về bình đẳng giới.

Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu – EDGE Certificate cấp cho Tổng công ty Điện lực TPHCM có giá trị đến tháng 11/2020. Trong thời gian sắp tới, Tổng công ty tiếp tục hoàn thiện các chính sách lao động nữ, xây dựng môi trường làm việc bình đẳng giới và không ngừng cải thiện các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp từ người lao động.

Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (Vietnam Business Coalition for Women’s Empowerment - VBCWE) được thành lập từ tháng 2/2018 qua chương trình Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women - IW) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, nhằm theo đuổi mục tiêu bình đẳng giới tại nơi làm việc và phát triển quyền năng phụ nữ tại Việt Nam.

VBCWE được sáng lập bởi các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng với quy mô nhân sự lớn. Các doanh nghiệp này sẽ có những hành động thích hợp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại chính công ty của họ, từ đó tác động đến cộng đồng các doanh nghiệp khác, cả trong và ngoài chuỗi cung ứng của họ, góp phần xây dựng môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn, bình đẳng hơn cho nữ giới.

Các thành viên của Mạng lưới Doanh nghiệp cam kết hành động hướng đến các mục tiêu bình đẳng giới trong phạm vi công ty mình:

  1. Thu hẹp chêch lệch tiền lương theo giới.
  2. Gia tăng vai trò nữ giới trong các vị trí lãnh đạo và quản lý.
  3. Tăng cường sự tham gia của nữ giới vào môi trường làm việc.
  4. Đầu tư cho các điều kiện làm việc thân thiện với nữ giới.
  5. Các cấp lãnh đạo và quản lý thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới một cách có hệ thống trong công ty.
PV