EVNSPC: Không ngừng nâng cao năng lực cung ứng điện và chất lượng phục vụ khách hàng

Gần 40 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) đã có nhiều nỗ lực lớn lao trong việc đầu tư phát triển lưới điện, cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, ổn định chính t

Kỳ tích điện khí hóa nông thôn

Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), việc phát triển lưới điện nông thôn ở miền Nam diễn ra tự phát, dẫn đến tình trạng lưới điện phi kỹ thuật, không an toàn cho người sử dụng, chất lượng điện rất thấp, giá điện cao… Năm 1995, Công ty Điện lực 2 (tiền thân của EVN SPC) tiến hành chương trình điện điện khí hóa nông thôn và Phước Vinh (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), một xã vùng sâu giáp với biên giới Campuchia, được chọn làm nơi thử nghiệm đầu tiên.
Công trình khởi công vào tháng 9/1995 và hoàn tất vào tháng 10/1996 với 27,7 km lưới trung áp, 35 km lưới hạ áp, 31 trạm biến áp với tổng công suất 1080 kVA. Cùng thời gian này, tỉnh Đồng Nai có chủ trương sử dụng vốn ngân sách, tạm ứng vật tư thiết bị của các xí nghiệp trong tỉnh và các nhà thầu ứng vốn xây lắp lưới điện và đóng góp của nhân dân để điện khí hóa 55 xã trong toàn tỉnh. Việc đưa điện về 55 xã của tỉnh Đồng Nai hoàn tất vào năm 1999.

Gắn điện kế cho người dân tại Xã Bãi Thơm - Phú Quốc

Vào thời điểm năm 1996, việc cung cấp điện nông thôn có rất nhiều hạn chế, tại các tỉnh khu vực phía Nam chỉ có 34,8% - 40% hộ dân nông thôn có điện; chất lượng điện thấp, nông dân phải trả giá điện cao, lưới điện cũ mới đan xen. Ngay trong năm 1996, Công ty Điện lực 2 triển khai đưa điện về trung tâm 22 xã của 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo phương châm “Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm”. Trung ương (ngành Điện) đầu tư lưới điện trung áp và trạm biến áp; địa phương (tỉnh, huyện) đầu tư lưới hạ áp; nhân dân (hộ sử dụng điện) đầu tư nhánh rẽ vào nhà. Phương thức này về sau được Chính phủ áp dụng để huy động vốn đầu tư đưa điện về nông thôn trong toàn quốc.

Trải qua nhiều năm tháng, với những nỗ lực vượt bậc, EVN SPC không chỉ hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn mà còn phát triển được hệ thống lưới điện rộng khắp, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực phía Nam. Hệ thống lưới điện từ 110kV trở xuống đã phủ kín các địa phương, công suất cực đại toàn khu vực (năm 2014) đạt 6.942 MW. Từ chỗ chỉ có khoảng 2,5% số hộ dân có điện vào năm 1975, đến nay đã có 100% số xã với 98,7% hộ dân có điện, trong đó số hộ dân nông thôn là 98%.

Đẩy mạnh đầu tư

Xác định vai trò điện đi trước một bước, thời gian qua, nhất là từ năm 2009 trở lại đây, EVN SPC không ngừng đẩy mạnh đầu tư phát triển lưới điện, nâng cao năng lực cấp điện trong toàn khu vực. Đáng kể nhất là thực hiện nhiều dự án đầu tư, cải tạo lưới điện bằng nguồn vốn tự có và vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế với mức bình quân 1.757,5 tỷ đồng/năm. Trong 5 năm gần đây (2009-2013), EVN SPC đã đầu tư gần 8.800 tỷ đồng đầu tư phát triển lưới điện, trong đó trên 3.166 tỷ đồng phát triển lưới 110kV (gồm 18.380 km đường dây và 34.998 MVA trạm biến áp) và phần còn lại đầu tư phát triển lưới phân phối (gồm 258.576 km đường dây 22kV, 74.447 MVA trạm biến áp và 338.646 km đường dây hạ thế). Đặc biệt năm 2013 đã hoàn thành tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc với tổng vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Song song đó, EVN SPC còn trực tiếp đầu tư và tham gia các dự án cấp điện cho phát triển sản xuất nông nghiệp, như cấp điện cho 10 ngàn ha nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau, cấp điện cho các trạm bơm nông nghiệp ở An Giang đem lại giá trị gia tăng trong sản xuất lúa trên 200 tỷ đồng/năm; Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng - giai đoạn 2, mức đầu tư 212,5 tỷ đồng; Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh - giai đoạn 2 với mức đầu tư 153,04 tỷ đồng; Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư là 198 tỷ đồng; Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn - vay vốn ngân hàng tái thiết Đức (kfW) với mục tiêu dự án là cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, nhằm đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện,an toàn cho người sử dụng và giảm tổn thất điện năng trên địa bàn 14 tỉnh/thành phía Nam do Tổng Công ty Điện lực miền Nam quản lý cung cấp điện, mức đầu tư là 1.036 tỷ đồng. Đầu tư cấp điện cho trồng cây thanh long ở các tỉnh tỉnh Bình Thuận, Long An với tổng vốn đầu tư trên 220 tỷ đồng, thực hiện trong các năm 2013 đến 2015. Hiện EVN SPC cũng đang chuẩn bị triển khai dự án xây dựng trạm 110kV Châu Thành với công suất 40MVA và đường dây đấu nối với tổng vốn đầu tư 65 tỷ đồng để cung ứng điện kịp thời cho phát triển vùng trồng thanh long tại Long An.

Việc đầu tư phát triển lưới điện trên các đảo cũng được EVN SPC đặc biệt chú trọng. Hiện EVN SPC đã quản lý cấp điện cho các huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). EVN SPC cũng đang triển khai dự án đưa lưới điện 22kV cấp điện cho huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong đầu năm 2015.

Đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ

Thời gian qua, EVN SPC đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới tích cực để phục vụ 6,5 triệu khách hàng ngày càng tốt hơn; mạnh dạn đổi mới công tác quản trị điều hành, chăm lo đào tạo bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường, coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo trình độ về mọi mặt cho CBCNV. Từ tháng 12/2012, EVN SPC đã triển khai chương trình “Nụ cười và niềm tin điện lực”. Đây là nơi đón tiếp và giải quyết các yêu cầu của khách hàng theo quy chế một cửa, văn minh, lịch sự. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 200 phòng giao dịch đạt tiêu chuẩn của chương trình, đồng thời đã đào tạo, nâng cao chất lượng phục vụ cho trên 3.000 lượt nhân viên giao tiếp khách hàng.

Với mục tiêu giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí, tăng hiệu quả quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như chuẩn bị cơ sở cho việc tham gia thị trường điện cạnh tranh, Tổng công ty đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử, thiết bị đọc công tơ từ cho 10 ngàn điểm đo ghi từ xa, chiếm 60% sản lượng toàn đơn vị, 35 ngàn công tơ hộ gia đình và dự kiến triển khai 15 ngàn điểm có sản lượng điện năng tiêu thụ từ 5.000 kWh/tháng trở lên. Đồng thời hoàn thành việc quy hoạch cơ sở dữ liệu thông số thu thập từ xa và đang triển khai xây dựng phần mềm quản lý, khai thác dùng chung trong toàn Tổng công ty.

Trong năm 2014, EVN SPC đã khởi động dự án lắp đặt hệ thống SCADA và trạm biến áp 110kV không người trực nhằm thực hiện nhiệm vụ điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu toàn bộ các trạm 110kV và các Recloser trung thế trên địa bàn quản lý; đồng thời phục vụ công tác điều độ lưới điện toàn hệ thống.

Tập thể CB CNV EVN SPC vinh dự đón nhận
Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2014

Ông Nguyễn Thành Duy - Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, thời gian tới, EVN SPC sẽ xây dựng lộ trình để chuyển dần các công ty điện lực hạch toán phụ thuộc thành các công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập, tạo điều kiện cho các công ty điện lực chủ động hơn trong quản trị, hạch toán và sản xuất kinh doanh và có điều kiện tốt hơn đế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương tại khu vực phía Nam. Từ đó, EVN SPC hướng đến một mô hình tổ chức hoạt động theo luật doanh nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp hoàn toàn mới mẻ, trong sáng, phát triển bền vững và cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho nhân dân, khách hàng.


Với những đóng góp to lớn, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1978, 1987), Huân chương Lao động hạng Nhì (1986), Huân chương Lao động hạng Nhất (1995), Huân chương Độc lập hạng Ba (2001), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2008), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2005) và Huân chương Độc lập hạng Nhất (2014).