Fitch: Triển vọng hoạt động của các ngân hàng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ở mức "tiêu cực"

Fitch cho biết các ngân hàng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh trong bối cảnh các nền kinh tế trên toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cho biết trong đầu tháng 3/2020 đã hạ triển vọng hoạt động của 10 hệ thống ngân hàng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương xuống mức “tiêu cực”. Fitch cũng cho biết triển vọng hoạt động của tất cả 17 hệ thống ngân hàng mà hãng này đánh giá tín nhiệm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện đều đã bị hạ xuống mức “tiêu cực”.

Ông Jonathan Cornish, trưởng ban xếp hạng tín nhiệm ngân hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Fitch, cho biết hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ giảm xuống trong năm 2020 và năm 2021. Tuy nhiên, một số ít hệ thống ngân hàng, chủ yếu, tại các nền kinh tế mới nổi sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tốt, theo ông Jonathan Cornish.

Ông Jonathan Cornish cũng khẳng định việc hạ đánh giá triển vọng các hệ thống ngân hàng không đồng nghĩa với việc các nền kinh tế trong khu vực phải đối mặt với rủi ro bất ổn tài chính cao hơn.

Ngân hàng chịu tác động tiêu cực vì đại dịch Covid-19
 Một nhân viên ngân hàng mặc đồ bảo hộ khi làm việc nhằm phòng ngừa lây nhiễm dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh rủi ro xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với thực tế cho thấy các cơ quan quản lý đã yêu cầu các hệ thống ngân hàng phải tăng cường bổ sung vốn cũng như cải thiện tính thanh khoản do đó các hệ thống ngân hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ đương đầu tốt hơn với các biến động kinh tế trong thời gian tới so với những giai đoạn biến động trước đây.

Trong đầu tháng 3/2020, Fitch đã cho biết đại dịch Covid-19 sẽ khiến tăng trưởng kinh tế suy yếu, kéo theo đó là giảm tăng trưởng tín dụng, sự biến động của thị trường vốn có thể khiến các hoạt động phát hành và niêm yết cổ phiếu bị trì hoãn.

Trong khi đó, các biện pháp hạn chế di chuyển và phong toả để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, điều này kéo theo sự suy chất lượng tài sản của các ngân hàng. Cuối cùng, việc nhiều quốc gia cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế sẽ làm suy yếu mức lợi nhuận của các ngân hàng.

Ông Jonathan Cornish nhận định trong nhiều năm gần đây, nhiều ngân hàng đã chấp nhận thực hiện các hoạt động kinh doanh có rủi ro cao hơn nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh mức lãi suất được giữ ở mức thấp. Đối với các ngân hàng ở các thị trường mới nổi như Malaysia, việc giá dầu thô giảm sốc sẽ gây áp lực lớn lên mức lợi nhuận của các ngân hàng, theo ông Jonathan Cornish.

Quang Đặng (Theo CNBC)