Forbes: Việt Nam lọt top những nền kinh tế châu Á đang phát triển tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2020

Việt Nam được Forbes dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm tới. Trước đó, Việt Nam đã tăng trưởng đều trên 6% mỗi năm kể từ năm 2012.

Forbes vừa đưa ra dự báo Việt Nam sẽ nằm trong danh sách những nền kinh tế châu Á đang phát triển tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2020 cùng với Bangladesh, Ấn Độ, Tajikistan, Campuchia... Dưới đây là những nền kinh tế nằm trong danh sách dự báo của Forber.

Bangladesh 

Fober dự báo Bangladesh sẽ tăng trưởng 8% khi vốn ngoại đổ vào ngày một nhiều để sản xuất ra các sản phẩm quần áo và giày dép giá rẻ. Kể từ năm 2011, GDP quốc gia này đã tăng ít nhất 6% mỗi năm. Mức lương trung bình của lao động Bangladesh chỉ rơi vào khoảng 101 USD/tháng. Vốn đầu tư trực tiếp đổ vào Bangladesh đã tăng 19,5% trong nửa đầu năm 2019 lên con số 1,7 tỉ USD, theo các báo cáo truyền thông khu vực.

Ấn Độ

GDP của Ấn Độ trong hai năm qua vẫn giữ nguyên quanh mức 7,2%, con số thấp hơn so với tỉ lệ tăng trưởng 8,17% của năm 2016. Đầu ra ngày một suy giảm của 8 ngành công nghiệp trọng yếu, một vài trong số đó đang thiếu hụt vốn, sẽ ngăn nền kinh tế tăng tốc trong năm 2020. Tuy vậy ngân hàng trung ương nước này đã áp dụng các gói kích thích kinh tế và thực hiện cắt giảm thuế trong năm nay để giảm áp lực lên nền kinh tế.

Tajikistan

Tajikistan được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm tới nhờ các mỏ vàng và bạc, ngành xử lý kim loại và kiều hối đến từ triệu người Tajikistan đang sinh sống ở nước ngoài. Nhờ nhu cầu thị trường tăng mạnh, GDP của Tajikistan đã tăng 6,9% trong năm 2016, 7,1% vào năm 2017 và 7,3% năm 2018, dẫn đầu bởi các ngành công nghiệp và dịch vụ, theo World Bank.

Myanmar

Kinh tế Myanmar dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm tới do xuất phát điểm thấp, với GDP đạt 67 tỉ USD. Myanmar đang dịch chuyển sang chính quyền do nhân dân làm chủ, đồng thời thực hiện các cải cách kinh tế để thu hút đầu tư. Ngoài ra cơ sở hạ tầng cùng mức chi của người tiêu dùng cụng là động lực tăng trưởng GDP của Myanmar. Kinh tế Myanmar đã tăng hơn 6,5% mỗi năm trong ba năm qua.

Campuchia

Kinh tế Campuchia có thể sẽ tăng 6,8% trong năm mới nhờ nguồn đầu tư từ Trung Quốc vào các công trình bất động sản, khu nghỉ dưỡng ven biển và các hạ tầng như đường xá và sân bay. Tính trong năm 2018, cơ sở hạ tầng Campuchia đã nhận 2 tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc. Tuy vậy mức tăng dự đoán 6,8% thấp hơn so với con số trên 7% World Bank ghi nhận kể từ năm 2011.

Việt Nam 

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6,7% vào năm 2020. Việt Nam đã tăng trưởng hơn 6% kể từ năm 2012. Không chỉ gia công, Việt Nam đang dịch chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, chẳng hạn như điện tử. Đầu tư từ nước ngoài vẫn đang là động lực cho nền kinh tế Việt Nam.

cong nghiep viet nam
 Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam năm 2019

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sự chậm lại của xuất nhập khẩu toàn cầu đang gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế châu Á đang phát triển, khiến ADB cắt giảm dự báo tăng trưởng cho khu vực. ADB kỳ vọng các nền kinh tế châu Á đang phát triển (gồm 45 nền kinh tế bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản) sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2020.

ADB cho biết căng thẳng thương mại kéo dài vẫn là rủi ro chính đối với triển vọng của khu vực, nhưng một số ít quốc gia dự kiến ​​sẽ vượt trội hơn so với các nước láng giềng vào năm tới. 

ADB cũng dự đoán một số nước sẽ có mức phát triển kinh tế trên 6% như: Nepal và Maldives (đều 6,3%), Lào và Philippines (đều 6,2%) và Mông Cổ (6,1%). 

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%. Động lực tăng trưởng chính của kinh tế năm 2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (vận tải kho bãi tăng 9,12%, bán buôn bán lẻ tăng 8,82%, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Hoàng An