Sáng mai, 22/9, tại nhà máy lương thực Thoại Sơn (một trong 5 công ty lương thực trực thuộc Tập đoàn Lộc Trời) tại ấp Sơn Lập, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, sẽ diễn ra Lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm của Tập đoàn Lộc Trời sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Lô hàng gồm 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85, được đóng gói theo quy cách 18kg trở lên.

Để vào được thị trường EU, Tập đoàn Lộc Trời đã mất nhiều năm xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn.

Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, để chuẩn bị cho những bước đi dài hạn, Tập đoàn đã đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng lúa gạo, bao gồm cả khâu sản xuất và chế biến.

Đến nay, Lộc Trời đã đầu tư 5 nhà máy sản xuất gạo có vị trí trung tâm các vùng nguyên liệu lúa, liên kết tốt hệ thống đường bộ và đường thủy để vận chuyển thuận tiện nhất.

“Tất cả đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, nhà máy Thoại Sơn có đầy đủ các chứng nhận HACPP, HALAL và BRC đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất cao cấp của các thị trường khó tính tại EU, nhà máy Vĩnh Hưng có dây chuyền sản xuất gạo mầm Vibigaba từ lúa mùa ruộng tôm, tiến tới có chứng nhận GMP để xây dựng thương hiệu thực phẩm chức năng, đem lại lợi nhuận cao hơn nữa cho nông dân trồng giống lúa đặc sản này của Lộc Trời”, ông Huỳnh Văn Thòn cho biết.

Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ mở ra một ô cửa nhỏ cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU, khi dành lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm), lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan.

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 Euro/tấn (2019); 150 Euro/tấn (2020) và 125 Euro/tấn (2021). Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới.

Trước đó, vào cuối tháng 8 vừa qua, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên vào EU theo cam kết của EVFTA. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Trung An cho biết, đây là đợt xuất khẩu đầu tiên trong tổng khối lượng theo hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn sang thị trường EU của công ty. Lô hàng xuất khẩu gạo thơm lần này là ST20 và Jasmine giao cho 3 khách hàng, trong đó có 2 khách hàng ở nước Đức và 1 khách hàng ở nước Pháp. Hai chủng loại gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn, cao hơn thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực, lần lượt là 200 USD và 80 USD/tấn.

Cũng trong tháng 8/2020, Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An đã xuất khẩu hơn 100 tấn gạo thơm với giá 800 USD/tấn sang Đức và trong tháng 9 này sẽ xuất thêm 4 container.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15.800 tấn gạo, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD, trong khi đó từ ngày 4/9 đến ngày 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4.300 tấn gạo thơm. Xuất khẩu gạo trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.

Nhận định EU là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới, tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác, có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU.