Có nhiều yếu tố dẫn tới giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao

Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, gạo Việt Nam nay đã có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm từ 15- 20 USD/tấn.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam đang dẫn đầu trong nhóm nước xuất gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.

Việt Nam cũng là nước có sản lượng, giá trị gạo cao thứ 2 thế giới. Trong 7 tháng đầu năm, ước đạt Việt Nam xuất khẩu gần 4 triệu tấn, mang về giá trị 2 tỉ USD, tăng 11% về giá trị và giảm 1,5% về khối lượng so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đã vượt qua Thái Lan.

Ngày 13/8, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 - 497 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan chỉ giao dịch mức 473 - 477 USD/tấn; Ấn Độ từ 378 - 382 USD/tấn; Pakistan từ 423 - 427 USD/tấn... Như vậy, với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của các nước: Thái Lan 20 USD/tấn, Ấn Độ 115 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố dẫn tới giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao như: gạo Việt Nam ngày càng đạt chất lượng cao, logistics được cải thiện, đồng thời dịch Covid-19 bùng phát lại nên nhiều nước tăng sản lượng nhập khẩu.

Một nguyên nhân nữa là do đồng baht Thái tăng giá so với USD, khiến giá gạo xuất khẩu nước này mất lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Giá FOB gạo trắng 5% tấm của Thái Lan giao dịch quanh mức 460 USD một tấn, cao hơn 90 USD mỗi tấn so với gạo Ấn Độ và 8 USD so với gạo đồng hạng của Việt Nam.

Chính phủ Thái Lan hiện đang cân nhắc thay đổi chính sách trong xuất khẩu gạo, nhằm lấy lại đà cạnh tranh với gạo các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Ấn Độ. Các chính sách thay đổi sẽ tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu các giống gạo mới...

Thanh Xuân