Giá dầu thế giới 24/1: Giá dầu đi xuống trước sức ép tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Trung Quốc

Dữ liệu thống kê không mấy lạc quan về mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Trung Quốc cùng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu đi vào ngõ cụt tiếp tục đẩy giá dầu thế giới ngày 24/1 đi xuống.

TGhi nhận của Petrotimes vào hồi 9 giờ sáng 24/1, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2019 trên sàn New York Mercantile Exchanghe ở mức 52,31 USD/thùng, giảm 0,31 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm phiên giao dịch ngày 23/1, giá dầu WTI giao tháng 2/2019 đã giảm 0,83 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu brent giao tháng 3/2019 đứng ở mức 60,79 USD/thùng, giảm 0,35 USD/thùng trong phiên và giảm 0,85 USD/thùng so với cùng thời điểm phiên giao dịch ngày 23/1.

Còn theo ghi nhận trên ifcmarketc, cùng thời điểm, theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI được giao dịch ở mức thấp nhất là 52,01 USD/thùng và cao nhất là 52,07 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước, giá dầu WTI đứng ở mức 52,13 USD/thùng. Giá mở cửa phiên giao dịch ngày 24/1 là 52,17 USD/thùng.

Với dầu brent, giá dầu brent được giao dịch ở mức thấp nhất là 60,61 USD/thùng và cao nhất là 60,67 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước, giá dầu brent đứng ở mức 60,81 USD/thùng. Giá mở cửa phiên giao dịch ngày 24/1 là 60,82 USD/thùng.

Giá dầu thế giới ngày 24/1 tiếp tục chịu sức ép giảm giá sau khi dữ liệu tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Trung Quốc được công bố ở mức thấp nhất kể từ năm 1990. Cụ thể, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế quý IV/2018 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là nền kinh tế có mức tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, giảm xuống còn 6,4%. Điều này đã kéo tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc xuống còn 6,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Điều này đã dấy lên những lo ngại về mức tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc trong năm 2019, qua đó ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn lên nhu cầu dầu trên thị trường.

Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 21/1 cũng phát đi cảnh báo rằng, tình hình căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), cùng những bất ổn khác đang có nguy cơ khiến tăng trưởng toàn cầu bị giảm sâu hơn nữa.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Donald Trump đã phát biểu cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm là do chịu sức ép từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định hủy các cuộc thảo luận với Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa 2 nước.

Tất cả những yếu tố trên đang được nhận định sẽ tạo sức ép giảm giá lên giá dầu và gần như sẽ loại bỏ những nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và các nước đồng minh trong nỗ lực tái lập thế cân bằng trên thị trường dầu mỏ.

 

 

Hà Lê (Petrotimes)