Giá dầu thế giới 8/2: Áp lực dư cung tiếp tục đẩy giá dầu đi xuống

Giá dầu thế giới ngày 8/2 quay đầu giảm mạnh khi EU hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu và thị trường lại đón nhận thông tin về khả năng mỏ dầu Sharara, mỏ dầu lớn nhất Libya, sẽ sớm khởi động trở lại.

Tính đến đầu giờ sáng 8/2, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2019 trên sàn New York Mercantile Exchanghe ở mức 52,60 USD/thùng, giảm 0,04 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với đầu giờ ngày 7/2, giá dầu WTI giao tháng 3/2019 đã giảm tới 1,2 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu brent giao tháng 4/2019 đứng ở mức 61,60 USD/thùng, giảm 0,03 USD/thùng trong phiên và giảm 0,83 USD/thùng so với đầu giờ ngày 7/2.

Còn theo ghi nhận trên ifcmarketc, cùng thời điểm, theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI được giao dịch ở mức thấp nhất là 52,65 USD/thùng và cao nhất là 52,72 USD/thùng. Đóng của phiên giao dịch trước, giá dầu WTI đứng ở mức 52,81. Giá mở cửa phiên giao dịch ngày 8/2 là 52,81 USD/thùng.

Với dầu brent, giá dầu brent được giao dịch ở mức thấp nhất là 61,52 USD/thùng và cao nhất là 61,58 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước, giá dầu brent đứng ở mức 61,65 USD/thùng. Giá mở cửa phiên giao dịch ngày 8/2 là 61,67 USD/thùng.

Giá dầu thế giới quay đầu giảm mạnh khi thị trường liên tiếp đón nhận những thông tin bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực dến diễn biến cung – cầu dầu thô, yếu tố quyết định đến giá dầu.

Trong diễn biến mới nhất, Liên minh châu Âu (EU) trong ngày thứ Năm hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu và nhiều nền kinh tế lớn. EU dự báo kinh tế 19 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng trưởng chỉ 1,3% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với con số 1,9% theo dự báo được đưa ra trong tháng 11/2018.

Ở một diễn biến khác, theo Wall Street Journal, một vị tướng của Libya đã nắm quyền kiểm soát Sharara và điều này đồng nghĩa với việc cơ sở này có thể sẽ sớm hoạt động trở lại. Như vậy nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng thêm, áp lực lên giá cả sẽ tiếp tục lên cao.

Giá dầu thế giới còn chịu tác động tiêu cực bởi những dự báo không mấy lạc quan về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, một trong những yếu tố tác động rất lớn đến các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm tới.

Trả lời phỏng vấn Fox Business Network, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia, ông Larry Kudlow cho rằng sẽ còn lâu Mỹ mới có thể có được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

“Các cuộc đối thoại trước đã đặt được khá nhiều nền móng, thế nhưng việc thực thi mới là vấn đề”, ông Larry Kudlow nói.

Gần như đồng thời với thông tin trên, CNBC đưa tin nhiều khả năng cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thời điểm ngày 1/3/2019 sẽ khó diễn ra. Tuy nhiên, Mỹ nhiều khả năng sẽ giữ thuế ở mức 10% chứ không nâng lên mức 25% theo kế hoạch ban đầu.

Phản ứng trước những thông tin trên, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm điểmmạnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ 5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 220,77 điểm tương đương 0,9% xuống 25.169,53 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 25,56 điểm tương đương 0,9% xuống 2.706,05 điểm; chỉ số Nasdaq giảm 86,93 điểm tương đương 1,2% xuống 7.288,35 điểm.

Hà Lê (Petrotimes)