Giá dầu thô 31/3: Tiếp tục tăng, nguồn cung dầu toàn cầu có thể giảm 0,5%

Trong sáng ngày 31/3, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung dầu từ Iraq có thể giảm tới 450.000 thùng/ngày tương đương 0,5% tổng nguồn cung toàn cầu.
Giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần nhất (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 31/3, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 đạt 79,42 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 74,51 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 30/3, giá dầu thô Brent đã tăng 1,3% lên 79,27 USD/thùng và giá dầu thô WTI tăng  1,9% lên 74,37 USD/thùng.

Giá dầu thô  hiện đang được hỗ trợ từ thông tin một số mỏ khai thác thuộc khu vực kiểm soát của Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG), Iraq phải tạm ngưng hoạt động xuất khẩu dầu thô qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể khiến nguồn cung dầu thô toàn cầu giảm 450.000 thùng/ngày tương đương gần 0,5% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Chính phủ Iraq từ lâu đã coi hoạt động xuất khẩu dầu thô của KRG là bất hợp pháp. Hãng tin Reuters cho biết, Chính phủ Iraq sẽ sớm làm việc với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để thống nhất cơ chế mới cho việc xuất khẩu dầu thô của KRG.

Giá dầu thô còn được hỗ trợ từ việc lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm mạnh 7,5 triệu thùng, xuống còn 473,7 triệu thùng - mức  thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Mức giảm này trái ngược với dự báo tăng 100.000 thùng được giới phân tích đưa ra trước đó.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc vừa cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô của các nhà máy lọc hoá dầu tại nước này trong năm 2023 có thể tăng 3% so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô trong những phiên giao dịch gần đây đang bị kìm hãm phần nào trước thông tin cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong 3 tuần đầu tiên của 3/2023 chỉ giảm 300.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cắt giảm 500.000 thùng/ngày (tương đương 5% tổng sản lượng khai thác) mà Chính phủ Nga đã tuyên bố trước đây.

Hiện thị trường đang tập trung theo dõi các dữ liệu mới về lạm phát và tiêu dùng tại Hoa Kỳ nhằm đánh giá sự biến động của đồng USD cũng như tác động của các dữ liệu này đến các kênh đầu tư hàng hoá như dầu thô. Các dữ liệu trên sẽ được công bố trong ngày 31/3 (theo giờ địa phương).

Hãng tư vấn thị trường năng lượng FGE (Anh) nhận định nếu quá trình tái mở cửa của Trung Quốc diễn ra tốt và nền kinh tế toàn cầu tránh được một cuộc khủng hoảng thì giá dầu thô có thể sẽ tăng trở lại khoảng từ 75 USD – 85 USD/thùng trong những tháng tới đây.

Đồng quan điểm như trên, tập đoàn ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ) nhận định mặc dù giá dầu thô có thể tiếp tục biến động cao trong ngắn hạn nhưng giá dầu thô sẽ tăng lên trong những quý tới đây trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu và nguồn cung dầu từ Nga giảm xuống.  

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng vừa cảnh báo thế giới có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu sử dụng dầu đang tăng nhưng nguồn cung tiếp tục suy yếu.

Tường Vy