Giá dầu thô bật tăng mạnh nhờ các thông tin gói kích thích kinh tế khổng lồ của Hoa Kỳ và Châu Âu

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô đã bật tăng trở lại sau mức giảm sốc tới 24% trong ngày hôm qua. Giá dầu thô hiện được nâng đỡ nhờ thông tin tích cực về các biện pháp kích kinh tế của Hoa Kỳ và Châu Âu.
Tàu chở dầu thô
Nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu được dự báo sẽ giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch virus Covid-19 bùng phát (Ảnh: AGENCE FRANCE-PRESSE/GETTY IMAGES)

Trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 19/3) tại khu vực Châu Á, giá dầu thô đã bật tăng trở lại sau mức giảm mạnh trong ngày hôm qua. Vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2020 đã bật tăng mạnh 6,99% tương ứng 1,74 USD/thùng lên mức 26,62 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 4/2020 cũng tăng 12,2% tương ứng 2,48 USD/thùng lên mức 22,85 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày 18/3, giá dầu thô Brent đã sụt giảm 13,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003; đồng thời, giá dầu thô WTI cũng giảm 24% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002.

Nhận định về diễn biến giá dầu thô, các chuyên gia phân tích từ tập đoàn ngân hàng OCBC cho biết thị trường sẽ vẫn tiếp tục biến động mạnh và đà tăng của giá dấu thô trong phiên giao dịch sáng nay chủ yếu nhờ các thông tin tích cực về gói kích thích tài khoá của Hoa Kỳ và gói kích tích tiền tệ của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB). Thị trường kỳ vọng các biện pháp kích thích sẽ giảm thiểu phần nào tác động của đại dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế, qua đó nâng đỡ nhu cầu sử dụng dầu thô.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội nước này phê chuẩn gói kích thích tài khoá khổng lồ trị giá lên tới 1 nghìn tỷ USD và khoản cứu trợ trị giá 50 tỷ USD cho ngành hàng không Hoa Kỳ. Trong khi đó, ECB cho biết họ đang triển khai chương trình mua trái phiếu chính phủ với tổng trị giá đạt 750 tỷ EUR nhằm bình ổn thị trường và giúp nền kinh tế Châu Âu đối phó với các tác động của dịch virus Covid-19.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ vẫn trong trạng thái tiêu cực khi nguồn cung dầu thô có khả năng cao sẽ tăng mạnh kể từ tháng 4/2020 do cuộc chiến dầu thô giữa Nga và Ả-rập Xê-út. Về phía cầu, nhu cầu sử dụng dầu thô được dự báo sẽ sụt giảm nghiêm trọng khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ được áp dụng phạm vi toàn cầu khiến các hoạt động kinh tế, giao thông bị đình trệ.

Tập đoàn tài chính Goldman Sachs dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu tính đến cuối tháng 3/2020 sẽ giảm từ 8 – 9 triệu thùng/ngày. Các chuyên gia phân tích của OCBC nhận định “Giá dầu thô được dự báo sẽ vẫn dao động mạnh trong ngắn hạn và giảm xuống trong trung hạn”.

Trong khi đó, ông Gene McGillian, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của tập đoàn tư vấn năng lượng Tradition Energy, cho biết “Thị trường đang bị dồn nén và giá dầu thô đang tìm đáy nhưng mức đáy vẫn chưa được xác lập. Thị trường cũng đang lo ngại về khả năng một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trước các tác động tiêu cực toàn cầu của virus Covid-19”.

Theo báo cáo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới S&P Global, nền kinh tế toàn cầu đang dần rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trong bối cảnh đại dịch virus Covid-19 đã khiến trạng thái hỗn loạn bùng phát và gia tăng căng thẳng tài chính tại các thị trường.

Dựa trên các biện pháp hạn chế di chuyển của Hoa Kỳ và khu vực Châu Âu cũng như sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc, S&P Global dự báo tăng trương kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 1% - 1,5%. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ đạt từ mức -0,5% đến 0% trong năm 2020, theo hãng S&P Global.

Quang Đặng (Tổng hợp)