Giá dầu thô có thể đã chạm đáy, bật tăng trở lại 19%

Chốt phiên giao dịch ngày 22/4, giá dầu thô WTI của Hoa Kỳ đã bật tăng mạnh 19% sau thông tin OPEC có thể gia tăng mức cắt giảm sản lượng và mức tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ tăng ít hơn so với dự báo.
Kho chứa dầu thô
Các kho chứa dầu thô trên thế giới được dự báo sẽ bị lấp đầy trong vài tuần tới trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô giảm mạnh vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: Wixstatic)

Giá dầu thô thế giới đã bắt đầu phục hồi trở lại sau 2 ngày sụt giảm mạnh kỷ lục nhờ khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể gia tăng mức cắt giảm sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, mức gia tăng lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ thấp hơn so với các dự báo cũng giúp hỗ trợ tích cực lên giá dầu thô.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 22/4, giá dầu thô tương lai Brent (LCOC1) đã tăng 1,04 USD/thùng tương ứng 5,4% lên mức 20,37 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent giảm xuống còn 15,98 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 6/1999. Giá dầu thô tương lai ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2020 (CLM0) đã tăng 2,21 USD/thùng tương ứng 19,1% lên mức 13,78 USD/thùng.

Ông Jim Rutterbusch, Chủ tịch hãng tư vấn tài chính ngành dầu khí Ritterbusch and Associates, nhận định “Diến biễn giá dầu thô như hiện nay cho thấy giá dầu đã giảm xuống đáy khi các yếu tố cung và cầu, vốn đã đẩy giá dầu thô xuống mức âm trong tuần này, hiện vẫn tiếp tục ở mức rất yếu”. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã giảm khoảng 65% và giá dầu thô WTI giảm khoảng 75%.

Vào ngày 12/4, liên minh OPEC+ bao gồm khối OPEC do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác kỷ lục, tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu nhằm tái lập cân bằng cung – cầu trên thị trường dầu thô.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định thoả thuận cắt giảm này “quá muộn và quá ít”, không có tác dụng hỗ trợ nhiều giá dầu thô trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ giảm khoảng 30% tổng nhu cầu sử dụng trong tháng 4/2020.

Bên cạnh đó, thoả thuận này sẽ chỉ bắt đầu kể từ tháng 5/2020, quá muộn để bù đắp việc tồn trữ dầu thô đang tăng cao kỷ lục.

Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết, lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng thêm 15 triệu thùng lên mức 518,6 triệu thùng, gần chạm mức cao nhất trong lịch sử. Mức tăng này thấp hơn mức dự báo tăng 20 triệu thùng của một số chuyên gia. 

Trong tuần trước, giới phân tích dự báo nếu dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ tiếp tục tăng với mức 15 triệu thùng/tuần thì toàn bộ các kho chứa dầu thương mại của Hoa Kỳ sẽ bị lấp đầy trong vòng 8 tuần. Dữ liệu cho thấy cảng chứa dầu Cushing (bang Oklahoma), một trong những trung tâm chứa dầu thô lớn nhất Hoa Kỳ, đã gần như bị lấp đầy.

Trong ngày 21/3, Ả-rập Xê-út, quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới, cho biết đã sẵn sàng phối hợp với các quốc gia khai thác dầu thô khác để thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ thị trường dầu mỏ; Iraq, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới, cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)