Giá dầu thô đi ngang, nhiều vùng lớn trên thế giới tái phong toả vì dịch Covid-19

Chốt phiên giao dịch ngày 8/12, giá dầu thô gần như không biến động khi chịu giằng co giữa các tin tức tích cực về vaccine Covid-19 với các tin tiêu cực về diễn biến đại dịch Covid-19 tại các nơi trên thế giới.
Khai thác dầu thô
Thị trường hiện tập trung theo dõi diến biễn nhu cầu sử dụng dầu thô khi nhiều khu vực lớn trên thế giới tái áp đặt các biện pháp phong toả kéo dài nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 (Ảnh: CNN)

Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 5 cents, chốt phiên tại mức 48,84 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai giảm 16 cents, chốt phiên tại mức 45,60 USD/thùng. Giới phân tích nhận định diễn biến giá dầu thô đang bị giằng co từ các tin tức tích cực về vaccine phòng ngừa Covid-19 với các thông tin tiêu cực về diễn biến đại dịch Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Phil Flynn từ hãng chứng khoán Price Futures (Hoa Kỳ) nhận định giá dầu thô đang chịu áp lực giảm khi nhiều khu vực trên thế giới tái áp đặt các biện pháp phong toả kéo dài nhiều tuần nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới. Nhưng đà giảm của giá dầu thô đang được kìm hãm bởi kỳ vọng của thị trường về việc vaccine Covid-19 sẽ sớm được tung ra đại trà sớm hơn dự báo, ông  Phil Flynn cho biết.

Mũi tiêm phòng ngừa Covid-19 chính thức đầu tiên trên thế giới đã được thực hiện tại Anh trong ngày hôm qua, mở đầu cho chiến dịch tiêm chủng đại trà phòng ngừa Covid-19 tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Người đứng đầu Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) ông Simon Stevens cho biết việc sử dụng vaccine Covid-19 do hãng Pfizer/BioNTech phát triển đánh dấu "bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến chống Covid-19". Tuy nhiên, ông Simon Stevens cũng nhấn mạnh chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 sẽ tiếp tục ít nhất cho tới mùa xuân năm sau và cảnh báo người dân tiếp tục duy trì tâm thế "rất thận trọng" trong khoảng thời gian này.

Giới đầu tư hiện tập trung theo dõi diễn biến nhu cầu sử dụng dầu thô trong bối cảnh nhiều khu vực lớn trên thế giới như tiểu bang California (Hoa Kỳ), bang Bavaria (Đức) và khu vực Seoul (Hàn Quốc) áp đặt các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn khi số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 tại đây tăng lên mức báo động.

Giới đầu tư cũng theo dõi chặt chẽ khả năng Hoa Kỳ sẽ tung ra gói kích thích kinh tế mới nhằm củng cố đà phục hồi mong manh của nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều này có thể giúp gia tăng số việc làm mới cũng như nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Bên cạnh đó, nguy cơ Chính phủ Hoa Kỳ phải đóng cửa tạm thời do bất đồng về ngân sách chi tiêu cũng là mối quan tâm của thị trường.

Hãng tin Reuters cho biết cuộc họp thường lệ của liên minh OPEC+ (gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh) vào ngày 4/1/2021 có thể sẽ được hoãn lại sau khi liên minh này đạt thoả thuận chỉ tăng sản lượng khai thác thêm 500.000 thùng kể từ tháng 1/2021.

Quang Đặng (Theo Reuters)