Giá dầu thô giảm hơn 2%, Pháp tái phong toả toàn quốc lần thứ 3

Giá dầu thô quốc tế chịu áp lực giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 31/3 sau khi Pháp quyết định phong toả toàn quốc lần thứ 3 khi số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao. Liên minh OPEC+ cũng điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay.
Giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong tháng 3/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch 31/3, giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 1,43 USD tương ứng 2,2% xuống mức 62,74 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 1,39 USD tương ứng 2,3% xuống còn 59,16 USD/thùng.

Giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực giảm xuống sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố quyết định phong toả toàn quốc lần 3 và siết chặt hơn các biện pháp hạn chế di chuyển.

Trước đó, vào ngày 19/3, Pháp đã áp đặt lệnh phong toả kéo dài 4 tuần đối với khu vực thủ đô Paris và 16 tỉnh thành khác của nước này khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này liên tục tăng cao. Pháp hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Bên cạnh đó, liên minh OPEC+ đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay xuống mức 5,6 triệu thùng/ngày, giảm 300.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Trong khi đó, mức tăng cung dầu thô trên toàn cầu được liên minh OPEC+ dự báo tăng 200.000 thùng/ngày lên 1,6 triệu thùng/ngày. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh.

Tổng thư ký OPEC ông Mohammad Barkindo cho biết “Chúng ta cần nhớ rằng các yếu tố xung quanh vẫn tiếp tục bất ổn, phức tạp và đầy thách thức. Như những gì chúng ta đã chứng kiến, thị trường dầu mỏ đã biến động mạnh trong hai tuần cuối của tháng 3 vừa qua. Điều này cho thấy sự mong manh của các nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng dầu thô”.

Liên minh OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/4 tới đây nhằm đưa ra chính sách khai thác dầu thô mới. Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết Ả-rập Xê-út, nước đứng đầu khối OPEC, đang đề xuất tiếp tục duy trì mức sản lượng khai thác thấp như hiện nay đến tháng 5, thậm chí là đến tháng 6/2021. Các nguồn tin cũng cho biết Nga, nước lãnh đạo các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, đã bày tỏ sự ủng hộ phương án này.

Tính chung cả tháng 3 vừa qua, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đã giảm lần lượt 3,9% và 3,8% trong bối cảnh đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô gặp nhiều thách thức, hàng loạt quốc gia tại Châu Âu phải tái phong toả nhằm đối phó làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba.

Tuy nhiên, tính chung quý 1/2021, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI vẫn tăng lần lượt tới 22,6% và 21,9% nhờ sức tăng mạnh trong tháng 1 và tháng 2/2021 khi thị trường phản ứng tích cực với việc nhiều quốc gia triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Quang Đặng