Giá dầu thô giảm tuần thứ 5 liên tiếp, có thể xuống còn dưới 10 USD/thùng

Giá dầu thô đã giảm tuần thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu có thể giảm đến 20% vì đại dịch virus Covid-19. Giới phân tích cảnh báo giá dầu thô có thể giảm xuống dưới 10 USD/thùng trong tháng 5/2020.
Giàn khoan khai thác dầu thô
 Giàn khoan khai thác dầu thô tại khu vực Vinh Mexico (Ảnh: Shutterstock)

Chốt phiên giao dịch tuần này (23/3 – 27/3), giá dầu thô Brent giảm 1,41 USD/thùng tương ứng 5,35%, xuống mức 24,93 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 1,09 USD/thùng tương ứng 4,82% xuống còn 21,51 USD/thùng.

Tính chung cả tuần giao dịch, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã lần lượt giảm 8% và 3%, đánh dấu tuần giảm giá thứ 5 liên tiếp.  Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã giảm gần 75% vì tác động của của đại dịch virus Covid-19 lẫn cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga.

Nhận định về diễn biến giá dầu thô trong tuần này, ông Bob Yawger, giám đốc bộ phận thị trường năng lượng tương lai tại tập đoàn ngân hàng Mizuho, cho biết “Chúng ta đã hết các biện pháp để hỗ trợ thị trường. Chính phủ đã sử dụng hết các công cụ trong tuần này và giá dầu thô trong tuần tới sẽ tự biến động”.

Nhận định của ông Bob Yawger ám chỉ đến việc hàng loạt các quốc gia lớn trên thế giới như Hoa Kỳ và Đức đã công bố các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ trong tuần này. Ngày 25/3, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này với tổng trị giá lên đến 2.200 tỷ USD nhằm hỗ trợ các thành phần kinh tế của Hoa Kỳ vượt qua các tác động của đại dịch virus Covid-19. Điều này đã phần nào hỗ trợ tâm lý của giới đầu tư trong phiên giao dịch ngày 25/3; Hoa Kỳ hiện là quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng cam kết sẽ đưa ra các biện pháp nhằm giảm bớt các căng thẳng tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng lên kế hoạch thu mua dầu thô cho Quỹ dự trữ dầu thô chiến lược từ các nhà khai thác dầu thô nước này; đồng thời, cử đặc phái viên làm việc với Ả-rập Xê-út tìm biện pháp bình ổn thị trường dầu mỏ.

Trong ngày 26/3, lãnh đạo các quốc gia thuộc các nền kinh tế lớn – khối G20 đã cam kết chi hơn 5.000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế cũng như “làm tất cả các biện pháp có thể” để giảm thiểu các tác động của dịch virus Covid-19.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này không ngăn chặn được đà giảm của giá dầu thô trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô đang sụt giảm nhanh khi các hoạt động kinh tế trên toàn cầu bị đình trệ vì đại dịch virus Covid-19.

Nhu cầu sử dụng giảm mạnh

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định với khoảng 3 tỷ người dân trên toàn cầu đang chịu ảnh hưởng vì các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh thì nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu có thể giảm 20%. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2019 đạt khoảng 100 triệu thùng/ngày.

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin cho biết sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến nhu cầu sửu dụng dầu thô toàn cầu giảm từ 15 – 20 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, hãng nghiên cứu thị trường dầu thô JBC Energy dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trung bình năm 2020 sẽ giảm 7,4 triệu thùng/ngày.

Các nhà giao dịch dầu thô trên thị trường vật chất cho biết giá các loại dầu thô từ vùng Permian có thể sẽ giảm thêm 10 USD/thùng so với giá hiện tại ,xuống còn dưới 10 USD/thùng trong tháng 5/2020 khi mà các kho chứa dầu tại khu vực này đạt mức tối đa. Khu vực Permian là khu vực khai thác dầu thô chính của Hoa Kỳ với công suất khai thác đạt gần 5 triệu thùng/ngày.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sụt giảm mạnh, hãng tin Reuters cho biết Ả-rập Xê-út đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng thu mua dầu. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch nâng công suất khai thác nhằm gia tăng thị phẩn của nước này trong cuộc chiến giá dầu thô với Nga.

Sau khi không đạt được thoả thuận đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác vào đầu tháng 3/2020, Nga và Ả-rập Xê-út đã chuyển sang vị thế đối đầu và khiến cuộc chiến giá dầu thô giữa hai nước bùng nổ. Ả-rập Xê-út đã lập tức cho biết sẽ nâng công suất khai thác từ mức 9,7 triệu thùng/ngày như hiện nay lên mức tối đa 12,3 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/4/2020.

Người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết khối OPEC do Ả-rập Xê-út đứng đầu cùng các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, gồm Nga có thể đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác mới nhằm hỗ trợ giá dầu thô nếu như các nước khác cùng tham gia thoả thuận này.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định với sự sụt giảm mạnh của nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu thì việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia khai thác dầu thô lớn không có quá nhiều tác động lên giá dầu thô hiện nay.

Quang Đặng (Tổng hợp)